Mừng và lo homestay, farmstay (kỳ 2): Hệ lụy từ việc xây dựng homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng trái phép

Mỹ Hằng| 04/10/2022 10:22

Các homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và hầu hết đều vi phạm các quy định, ảnh hưởng đến quy hoạch nông, lâm nghiệp, đô thị, khó khăn trong việc thu hút đầu tư.

ADQuảng cáo

Biến đất rừng thành khu du lịch

Xã Đắk Som (Đắk Glong) nơi có hồ Tà Đùng – được ví như “Vịnh Hạ Long” trên Tây Nguyên, là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm trong những năm gần đây của tỉnh. Với lợi thế nhiều ao, hồ, vị trí đẹp, nhiều người đã không ngần ngại lấn chiếm đất rừng để làm homestay, farmstay, khu du lịch.

Cụ thể, ông Đỗ Văn Bình từ Lâm Đồng sang xây dựng trái phép 8 căn nhà khung sắt, mái tôn, đặt 5 xe buýt nhằm mục đích kinh doanh trên hơn 4.300m2 đất rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 1089. Vào ngày 9/3/2020, ông Bình bị UBND huyện Đắk Glong xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả và đã nộp phạt. Tuy nhiên, đến nay khu vực này vẫn giữ nguyên hiện trạng, đồng thời, ông Bình cho một người khác tên Quang thuê lại để kinh doanh ăn uống, lưu trú kiểu homestay.

Mặc dù đưa vào hoạt động nhưng hầu hết các homestay, farmstay trên địa bàn đều sai phạm

Cũng tại khu vực này, ông Nguyễn Vũ Trọng Trung đến từ TP. Hồ Chí Minh xây dựng trái phép nhà sàn bê tông, làm sân, đường đi... trên diện tích hơn 1.000m2. Ông Vũ Đức Thành, đến từ tỉnh Đồng Nai lấn chiếm gần 5.300m2 đất rừng để làm vườn hoa Cô Ngọc.

Không chỉ đất rừng bị xâm hại, tại khu vực hồ Tà Đùng còn hàng loạt khu nghỉ dưỡng gồm: nhà hàng, nhà lưu trú, công trình hồ bơi... xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm nay, nhưng chưa bị xử lý và quy mô ngày càng lớn. Trong đó, lớn nhất là công trình trái phép “Nhà chú Đông” của ông Nguyễn Văn Đông, đến từ tỉnh Lâm Đồng mua đất nông nghiệp rồi xây dựng khu nghỉ dưỡng “săn view” hồ.

Ông Đông đã thành lập Công ty TNHH Tà Đùng Topview và tổ chức quảng bá, thu hút khách công khai như một khu nghỉ dưỡng, có vườn hoa, khách sạn, homestay, với 41 phòng ngủ, nhà hàng, hồ bơi... để kinh doanh nhưng không có bất cứ giấy phép gì liên quan. Mỗi dịp lễ, nơi đây đón từ 4.000-6.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, sử dụng các dịch vụ.

Hầu hết các homstay, farmstay đều xây dựng trên đất nông nghiệp và chưa được cấp phép. Ảnh: Thanh Hải

Theo UBND xã Đắk Som thì từ tháng 9/2017, địa phương đã phát hiện, lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng và buộc ông Đông ngưng xây dựng, khôi phục hiện trạng. Tuy nhiên, công trình vi phạm của ông Đông vẫn hoàn thiện về quy mô, diện tích, trở thành một khu du lịch nổi tiếng ở hồ Tà Đùng.

ADQuảng cáo

Tại TP. Gia Nghĩa, nhiều homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng tự phát cũng ồ ạt mọc lên như Farmstay Yumin, Vườn hoa Sao Nhái (Đắk Nia); Phương Nam Gia Trang (Đắk R’moan), Farm Minh Tuệ, Farmstay Yumin’s… Điều đáng lo ngại hơn, nhiều cá nhân đã đầu tư xây dựng homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng nhưng với mục đích nhằm phân lô bán nền, câu khách buôn bán bất động sản từ các nơi về. Điều này dẫn đến tình trạng sốt đất, đẩy giá đất lên cao, phá vỡ quy hoạch.

Thác Cá Sấu ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đang bị xâm hại để làm du lịch

Lúng túng trong xử lý

Việc các loại hình nghỉ dưỡng homestay, farmstay… tự phát triển đang khiến nhiều sản phẩm không đạt chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng du lịch. Cùng với đó là những bất cập pháp lý của các mô hình này như: xây dựng trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch địa phương.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, về nguyên tắc trước khi triển khai xây dựng thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi mới xin các giấy phép xây dựng, làm thủ tục hoạt động kinh doanh, bán vé. Tuy nhiên, các chủ cơ sở này không làm các thủ tục, đó là vi phạm hành vi xây dựng hạng mục công trình kiên cố, hoạt động kinh tế trên đất nông nghiệp. Khi cơ quan chức năng phát hiện mới xử lý thì mọi việc đã rồi.

Thời gian qua, huyện Đắk Glong cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng công an, đội trật tự đến các cơ sở kinh doanh du lịch homestay, farmstay… nhắc nhở về việc phải có phương án phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như tuân thủ những quy định của pháp luật. “Vừa qua, huyện đã xử phạt một số cơ sở nhưng cũng chỉ ở mức độ răn đe, nhắc nhở”, ông Phương thông tin.

Yumifarm được xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được cấp phép

Đồng quan điểm, ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho hay: Hiện nay trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 6 điểm homestay, farmstay nhưng tất cả chưa được cấp phép. Vấn đề này, thành phố quản lý rất chặt nhưng họ vẫn lách được các quy định vì hầu hết những homestay, farmstay được xây dựng ngay trên chính đất sản xuất của gia đình rồi mở rộng, biến tướng thêm. Bởi theo quy định, đất nông nghiệp có thể xây dựng nhà để sản xuất. Mặt khác, homestay, farmstay là thuật ngữ của nước ngoài, Việt Nam chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào quy định việc cho xây dựng, phát triển loại hình này cũng là một khó khăn cho địa phương. “Ngay cả khi chúng tôi nghiên cứu Văn bản 933 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông thì trong văn bản hướng dẫn không ghi rõ ai, đơn vị, cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định cấp phép”, ông Thạch Cảnh Tịnh nhấn mạnh.

Còn theo bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL cho biết: “Đối chiếu theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 về điều kiện tối thiểu để đón khách lưu trú du lịch; mở đón khách tham quan du lịch (khu, điểm du lịch), điều kiện để kinh doanh ăn uống, bán vé tham quan du lịch… thì hiện nay các cơ sở này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép về xây dựng, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cam kết môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế, đăng ký, khai báo lưu trú… Hiện nay, Trung ương chưa có quy định cụ thể về loại hình du lịch farmstay (du lịch canh nông/du lịch nông trại kết hợp nghỉ dưỡng), đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, điều chỉnh trong quá trình phát triển cho phù hợp với định hướng chung của tỉnh.

>>Kỳ 3: Cần có cơ chế rõ ràng để phát triển bền vững

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mừng và lo homestay, farmstay (kỳ 2): Hệ lụy từ việc xây dựng homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO