Muốn chị em làm được những việc lớn thì trước hết phải giúp biết chữ!

Thanh Nga thực hiện| 23/02/2018 09:43

Từ thực tế tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chị em chưa biết chữ, năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện chủ động đề xuất, phối hợp với ngành Giáo dục mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

ADQuảng cáo

Bà Hà Thị Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

PV: Thưa bà, xuất phát từ đâu mà Hội LHPN tỉnh đã đề xuất, phối hợp mở các lớp xóa mù chữ cho chị em ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Bà Hà Thị Hạnh: Việc nhiều chị em trên địa bàn tỉnh không biết chữ thì là chuyện lâu nay rồi. Vì vậy, khi cán bộ hội phụ nữ cơ sở đi tuyên truyền, vận động, chị em ở nhiều thôn bon chia sẻ, rất muốn biết được thêm các thông tin nhưng không biết chữ nên bị hạn chế rất nhiều. Chị em muốn học chữ để biết đọc, biết viết, làm các phép tính và không bị thiệt thòi. Trăn trở về việc này, Hội LHPN tỉnh đã triển khai các cấp hội cơ sở tổ chức rà soát và theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2017, trên địa bàn tỉnh có trên 8.000 chị em chưa biết chữ, hầu hết là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ thực tế đó, Hội LHPN tỉnh đã triển khai mở các lớp xóa mù chữ cho chị em bằng cách phối hợp với Phòng Giáo dục các huyện. Khởi đầu là 2 lớp 1 được tổ chức tại thôn Nam Dao, xã Nâm N’đir (Krông Nô) với 100 người học. Các chi hội phụ nữ xã kêu gọi các cá nhân ủng hộ mua sách, vở cho chị em học. Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng ở ngay xã được mời dạy chữ cho chị em rất nhiệt tình dù không có kinh phí. Chị em đều đã lập gia đình nhưng không biết chữ tham gia học rất đông. Lúc đầu chỉ có chị em đi học nhưng sau đó có cả một số anh chồng cũng đi học.

PV: Sau khi 2 lớp học xóa mù chữ ở thôn Nam Dao được mở đã mang lại hiệu ứng tích cực như thế nào, thưa bà?

Bà Hà Thị Hạnh: Thực tế, các chị em chưa biết chữ chỉ có một mong muốn đơn giản; có người chỉ mong khi về quê biết đọc các chữ ghi ở trên xe là được; có người mong viết được tên mình, biết lưu số điện thoại… Trong quá trình học, có con cháu đi theo để kèm thêm cho bà viết, mẹ viết. Những hình ảnh đó rất cảm động và cho thấy mọi người rất quan tâm đến việc học chữ. Hiện nay, 2 lớp học này đã hoàn thành xong chương trình lớp 1. Biết đọc, biết viết rồi, các chị lại có mong muốn học lên lớp 2, hết bậc tiểu học... để biết đọc sách, đọc báo, biết cách tính toán, làm ăn cũng như các kiến thức khác trong cuộc sống. Vì thế, Hội phụ nữ xã Nâm N’đir và nhà trường hiện đã dạy chương trình lớp 2 cho chị em ở thôn Nam Dao.

Sau xã Nâm N’đir, Hội phụ nữ xã Nam Xuân  (Krông Nô) cũng mở 2 lớp, tháng 10/2017 đã hoàn thành chương trình lớp 1. Khi 2 xã ở huyện Krông Nô mở được 4 lớp và thành công, Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền, vận động các cấp hội cơ sở tổ chức thêm 6 lớp xóa mù chữ nữa, tổng cộng được 10 lớp, với trên 400 người tham gia học tập. Trong đó, tại huyện Đắk Mil, ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Đắk N’Drót, Long Sơn, Đắk Gằn đều đã mở được các lớp xóa mù chữ cho chị em. Tất cả các lớp đều học vào buổi tối, mỗi tuần 4 buổi.

ADQuảng cáo

Đầu năm 2018 này, các cấp hội phối hợp với Phòng Giáo dục các huyện đã tiếp tục mở được 8 lớp xóa mù chữ; trong đó, 6 lớp 1 và 2 lớp 2, với hơn 200 chị em theo học.

PV: Hiệu quả của việc xóa mù chữ là rất lớn. Vậy, Hội LHPN tỉnh đã có kế hoạch như thế nào để chung tay, góp sức cùng xã hội xóa mù chữ, thưa bà?

Bà Hà Thị Hạnh: Thực ra, nhiệm vụ xóa mù chữ là của ngành Giáo dục, nhưng để khởi đầu cho xóa mù chữ trong chị em lại xuất phát từ đề xuất của Hội LHPN. Do không có kinh phí nên không chủ động được, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với ngành Giáo dục trong việc tuyên truyền, động viên tinh thần để chị em tham gia học tập.

Trước thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều chị em chưa biết chữ, Hội LHPN tỉnh đã có ý kiến với tỉnh về việc cần huy động toàn xã hội chung tay, góp sức trong việc mở các lớp dạy chữ cho phụ nữ và đã được quan tâm. Vừa rồi, qua nắm thông tin, chúng tôi được biết tỉnh đã có chủ trương phân bổ 320 triệu đồng cho các huyện nhằm phổ cập giáo dục trong khuôn khổ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Khi triển khai nhiệm vụ năm 2018, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh cũng đã nhấn mạnh đến việc chú trọng công tác phối hợp với ngành Giáo dục tiếp tục tổ chức các lớp xóa mù chữ cho chị em. Chúng tôi cho rằng, muốn chị em làm được những việc lớn thì trước hết phải giúp biết chữ. Thời hiện đại này mà chị em không biết chữ thì làm sao tiếp cận được với các công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng vào thực tế sản xuất và cuộc sống hàng ngày. Bây giờ chúng ta đang nói đến cách mạng công nghệ 4.0 mà nhiều chị em dân tộc thiểu số vẫn chưa biết chữ thì rất khó. Nhiều chị em vừa không biết tiếng Kinh vừa không biết chữ nên cần chú trọng dạy chữ phổ thông và đi đôi là chống tái mù chữ.

Trên tinh thần phối hợp với Phòng Giáo dục các huyện, năm 2018 này, Hội LHPN huyện Đắk Mil đã đặt mục tiêu tổ chức 7 lớp trở lên; Hội LHPN Krông Nô phấn đấu ít nhất 5 lớp; các huyện như Đắk Song, Đắk Glong cũng đã có kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn chị em làm được những việc lớn thì trước hết phải giúp biết chữ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO