Nâng cao chất lượng dân số, yêu cầu phát triển bền vững

Bài, ảnh: Vũ Trang| 04/12/2018 09:24

Chất lượng dân số đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dân số của tỉnh.

ADQuảng cáo

Trẻ sơ sinh được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động

Thực tế cho thấy, sự quan tâm Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nâng cao chất lượng dân số đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số/kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) và mới đây nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

Theo đó, Nghị quyết số 47-NQ/TW xác định 1 trong 2 mục tiêu lớn, đó là “nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng xác định mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Trên cơ sở mục tiêu của các nghị quyết, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa thành những chương trình hành động, giải pháp cụ thể, phù hợp. Nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân và xã hội đối với công tác DS-KHHGÐ, từng bước đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Với nội dung, hình thức và cách tiếp cận thường xuyên được đổi mới, đến nay, công tác tuyên truyền đã huy động được sự tham gia của đông đảo các lực lượng xã hội. Chính sách DS/KHHGĐ cũng được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, bon, tổ dân phố và tiêu chí xét gia đình văn hóa.

Bác sĩ Trần Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số. Thể hiện rõ là các tầng lớp nhân dân đã đồng thuận, ủng hộ và tích cực thực hiện tốt các mục tiêu của nghị quyết đề ra”.

Nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực

ADQuảng cáo

Theo Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, vấn đề nâng cao chất lượng dân số bao trùm rất rộng, từ khi đứa trẻ chưa chào đời cho đến khi trưởng thành và già đều phải được quan tâm, chăm sóc. Xác định điều đó, thời gian qua, Sở Y tế phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng và triển khai nhiều mô hình, đề án như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…

Hiện nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đã triển khai hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về các chương trình này. Cụ thể, mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được triển khai tại 32/71 xã, phường, thị trấn, với 128 câu lạc bộ được thành lập, góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Tại các cơ sở y tế đều thành lập các điểm cung cấp dịch vụ y tế thân thiện với thanh niên, vị thành niên. Bên cạnh đó, các góc tư vấn sức khỏe sinh sản cũng được xây dựng tại các trường THPT và THCS, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với các thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Về mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bên cạnh các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chi phí thực hiện dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đối với 2 bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh, người dân không thuộc diện hỗ trợ cũng được tuyên truyền, khuyến khích tham gia sàng lọc tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo hình thức xã hội hóa, tự chi trả giá dịch vụ. Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh có 16.849/26.545 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế, chiếm 64%, vượt 15% so với mục tiêu đề ra.

Các cơ sở y tế bố trí góc tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Chương trình hành động số 29-Ctr/TU ngày 8/5/2018 của Tỉnh ủy về công tác dân số trong tình hình mới xác định, mặc dù công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể, song chất lượng dân số của tỉnh vẫn còn thấp và có sự bất cập về cơ cấu, thành phần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao so với cả nước, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Các dịch vụ tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh chưa được triển khai sâu rộng. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra tại một số địa phương ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi…

Chương trình hành động của Tỉnh ủy cũng đặt ra một số mục tiêu liên quan đến nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị; duy trì cân bằng giới tính khi sinh ở mức dưới 107 trẻ nam/100 trẻ nữ; tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 80%; giảm 50% số cặp tảo hôn và 60% số cặp kết hôn cận huyết; 60% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến…

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, với đặc thù là địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, việc thực hiện các mục tiêu nêu trên là điều không dễ dàng. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Về phía ngành dân số, cùng với việc đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông cũng tập trung hơn nữa vào việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dân số, yêu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO