Nghề dệt thổ cẩm - nét tinh hoa truyền thống

Mỹ Hằng| 22/06/2018 09:47

Đối với đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê... nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dệt thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống và luôn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt trở thành nét tinh hoa truyền thống đặc sắc.

ADQuảng cáo

Trang phục thổ cẩm-nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc bản địa

Trong lịch sử phát triển của loài người, trang phục vừa là sản phẩm tinh xảo do bàn tay khối óc con người tạo nên và vừa là một trong các giá trị được lưu giữ, truyền bá từ đời này sang đời khác, góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Nếu như màu chủ đạo trên trang phục thổ cẩm của người M’nông là màu đen và xanh; của dân tộc Mạ là màu trắng, đỏ; người Ê đê là màu đỏ, màu chàm, màu vàng nghệ, màu xanh… Nhìn vào đó, chúng ta có thể nhận ra nét đặc trưng của từng dân tộc.

Sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh rất phong phú về mẫu mã, chủng loại. Mỗi chiếc giỏ xách, chăn, trang phục áo, váy khố… đều có đường nét, kỹ thuật trang trí, hoa văn riêng. Hầu hết các hoa văn trên từng tấm thổ cẩm đều thể hiện quan niệm tín ngưỡng tâm linh về trời đất, sông núi, sức mạnh của thiên nhiên và sự dũng cảm của con người…

Để làm nên một tấm thổ cẩm đẹp, mang đặc trưng của dân tộc, ngoài các nguyên liệu cần thiết như sợi lanh, sợi chỉ thì chiếc khung cửi là vật dụng quan trọng không thể thiếu. Khung cửi dệt thổ cẩm của người M’nông, Mạ, Ê đê về cơ bản khá giống nhau và được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn. Đây là công cụ dệt thô sơ được giữ bằng chân, dệt bằng tay. Cấu tạo của khung dệt đơn giản, có thể tháo gỡ, gồm những thanh tre nứa được bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ tạo nên một dụng cụ rất đặc trưng. Khi dệt, người dệt phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt.

ADQuảng cáo

Do cấu tạo đơn giản nên bất cứ đàn ông hay phụ nữ đều có thể làm nên một khung dệt riêng cho chính mình mà không đòi hỏi sự cầu kỳ gì lắm. Trong khung dệt, chỉ duy nhất cây dập sợi được làm bằng gỗ, mới đòi hỏi người giỏi làm đồ mộc chế tạo, còn các bộ phận khác đều không quá phức tạp. Khung dệt có nhiều loại như khung chuyên cho dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như túi thổ cẩm, khăn địu, khố…

Tùy theo sự cầu kỳ của từng sản phẩm mà thời gian hoàn thành lâu hay mau, trung bình một chiếc khố chỉ cần 1 ngày, chiếc váy 3 ngày và chiếc chăn, tấm trải giường mất cả 15-20 ngày... Giá trị của mỗi sản phẩm không nằm ngoài công sức mà còn thể hiện ở chỗ sự tỉ mỉ, công phu trên từng công đoạn.

Chiếc khung cửi luôn gắn liền với phụ nữ dân tộc thiểu số

Điều đáng nói, nếu như trước đây, dệt thổ cẩm đều do người phụ nữ trong gia đình đảm nhận và được xem là thước đo sự đảm đang của người con gái trước khi về nhà chồng thì nay vai trò đó dường như bị lu mờ bởi sự phát triển của thời đại công nghiệp. Đời sống kinh tế ngày càng khấm khá nên vấn đề dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, vào các bon làng trên địa bàn, vẫn còn không ít phụ nữ,  nghệ nhân duy trì nghề dệt thổ cẩm và truyền dạy cho lớp trẻ nhằm mục đích sử dụng trong gia đình, và bà con xung quanh.

Có thể thấy, nghề dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống được phát triển rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Do đó, việc gìn giữ, khôi phục nghề truyền thống này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Đó là làm sao để đồng bào thích mặc trang phục truyền thống và cảm thấy tự hào về trang phục của dân tộc mình là điều quan trọng. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các địa phương, cơ quan chức năng cũng khuyến khích các nghệ nhân, những người biết nghề để khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề dệt thổ cẩm - nét tinh hoa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO