Nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo: Cần có sự tích hợp, điều chỉnh hợp lý

Thanh Nga| 08/11/2017 09:44

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho những hộ thiếu đất gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất tại địa phương không còn. Trong khi đó, việc chuyển đổi nghề chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giúp người dân giảm nghèo, vì số hộ cao tuổi, hết tuổi lao động thì việc chuyển đổi nghề chưa thật sự phù hợp.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo số 541/BC-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông mới đây gửi Bộ Lao động, Thương binh -Xã hội về việc thực hiện rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018 theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai 8 chính sách giảm nghèo của Trung ương.

Bên cạnh khẳng định hiệu quả thiết thực đối với người dân nghèo, UBND tỉnh cũng cho rằng, việc tích hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định, cần phải có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Đồng bào M’nông ở bon Bù Za Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) đã chú trọng trồng cây công nghiệp để xóa đói, giảm nghèo

Cụ thể, chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ vay thấp (tối đa 25 triệu đồng/hộ), vốn hỗ trợ của địa phương còn hạn chế, trong khi giá cả vật liệu, nhân công vùng Tây Nguyên rất cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Chương trình 135 (chương trình giảm nghèo bền vững) đã tác động tích cực đến đời sống hộ nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện Chương trình 135, nhiều địa phương khó khăn đã được hỗ trợ sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho đồng bào. Thế nhưng, việc bố trí nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, không tập trung, định mức đầu tư chưa đủ theo quy định nên chưa bảo đảm cho các mục tiêu, kế hoạch đã được phê duyệt. Việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện dự án của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp đời sống nhiều hộ dân có sự thay đổi rõ nét, có động lực vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, do định mức còn thấp, số lượng vật nuôi ít, nhỏ lẻ, giá cả các mặt hàng hỗ trợ cao nên việc thực hiện chính sách không đạt kết quả cao, chưa thật sự góp phần thiết thực giúp người dân thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhiều, nhưng số lượng hộ tiếp cận nguồn vốn lại rất hạn chế. Dân trí thấp nên một số hộ được vay vốn không sử dụng đúng mục đích nguồn vốn được vay. Nguồn vốn phân bổ còn chậm, thủ tục vay vốn còn rườm rà, chưa gắn với việc hướng dẫn sử dụng nên nhiều hộ sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) trồng xen hồ tiêu với cà phê, điều để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592 và Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở khu vực 3 giải quyết được một phần khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Thế nhưng, việc hỗ trợ trực tiếp đất ở, đất sản xuất cho những hộ thiếu đất gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất tại địa phương không còn. Trong khi đó, việc chuyển đổi nghề chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giúp người dân giảm nghèo, vì số hộ cao tuổi, hết tuổi lao động thì việc chuyển đổi nghề chưa thật sự phù hợp.

Chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị định 86 và Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ, với việc thực hiện các chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh đã góp phần hạn chế trình trạng bỏ học giữa chừng, giữ vững phổ cập giáo dục. Thế nhưng, nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, cho con em đi học để được hưởng chính sách, chứ chưa thật sự vì mục đích chính là học tập.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn theo Luật BHYT đã góp phần cải thiện, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thế nhưng, việc quy định quá nhiều các thủ tục liên quan đến BHYT đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc khám chữa bệnh. Việc chi hỗ trợ  100% đối với hộ nghèo khu vực 1 và 70% đối với hộ nghèo khu vực 2 đã làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách.

Chính sách hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ một phần chi phí tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, hộ sinh sống ở vùng không có điện lưới có thêm điều kiện cải thiện sinh hoạt. Tuy nhiên, chính sách còn manh mún, nhỏ lẻ, định mức hỗ trợ thấp, chỉ 49.000 đồng/tháng/hộ. Mặt khác, việc xác nhận hộ sử dụng điện dưới 50kWh gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều hộ gia đình dùng chung một đồng hồ đo đếm điện.

Trước những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo theo hướng: Phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa của từng vùng; xem xét, tăng định mức hỗ trợ hoặc chuyển sang hỗ trợ vay vốn, tích hợp một số chính sách để tăng định mức hỗ trợ cho hộ nghèo. Tỉnh cũng đề nghị bãi bỏ Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 và tích hợp vào chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo: Cần có sự tích hợp, điều chỉnh hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO