Người cộng tác viên khuyến nông tâm huyết

Trần Lê| 03/05/2017 14:09

Gắn bó với công tác khuyến nông gần chục năm nay, ông Đoàn Văn Vui, cộng tác viên khuyến nông ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) được chính quyền cơ sở và nhân dân tin cậy.

ADQuảng cáo

Ông Vui luôn gần gũi với nông dân trong thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp)

Nói về nghề, ông Vui cho biết: Toàn thôn hiện có 170 hộ, trước đây tỷ lệ hộ nghèo của thôn khoảng 50% nhưng hiện nay còn 20 hộ. Con số này là kết quả của sự nỗ lực lớn của toàn thôn, ông cũng chỉ đóng góp một phần trong đó.

Theo đó, từ cơ sở nghị quyết của thôn về chương trình xóa đói, giảm nghèo hàng năm đã xác định không gì khác là từ nông nghiệp, với trọng trách khá lớn của mình, ông đã có không ít trăn trở. Từ suy nghĩ đó, ông đã kiên trì thực hiện hai hoạt động song song, đó là vừa tuyên truyền, vận động, phổ biến các kiến thức mới của khoa học kỹ thuật tới bà con.

Ông đã sử dụng nhiều hình thức từ tuyên truyền trực tiếp qua các cuộc họp thôn, tổ dân cư, vừa tận dụng các mô hình hiệu quả của ngành nông nghiệp triển khai trên địa bàn xã, huyện để vận động nhân dân tham quan, học tập. Hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh, nhiều vườn cây năng suất, sản lượng thấp của bà con được ông vận động chuyển đổi, cải tạo, thâm canh. Với hai loại cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu thì ông chủ trương khuyến khích nhân dân không chạy theo diện tích mà tăng cường chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tiết kiệm chi phí.

ADQuảng cáo

Bên cạnh các loại cây chủ lực, ông Vui đã hướng bà con đến phát triển các loại cây, con mới để lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập. Chị Lê Thị Đằng cũng là một hộ nghèo của thôn nhờ sự hướng dẫn của ông Vui mà thoát nghèo bền vững.

Chị Đằng cho biết: “Nhà tôi có 5 sào điều nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, tôi được bác Vui vận động phá bỏ để trồng sâm sâm bán cho thị trường làm nước giải khát. Ban đầu, tôi cũng phân vân vì đây là loại cây mới, nhưng bác cứ động viên, rồi nói đến cách làm cụ thể cho vợ chồng tôi như thế nào, giá cả bao nhiêu. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn làm theo, từ 1 sào rồi 2 sào, đúng là hiệu quả hơn so với cây điều, công sức bỏ ra cũng vừa phải mà lại có thu nhập đều đều trong năm nên không phải chịu ảnh túng thiếu nữa”.

Ông Vui chia sẻ: “Tuổi cũng đã gần 60, nhiều lúc con cháu cũng muốn tôi giảm bớt việc để dưỡng già nhưng tôi thấy mình vẫn còn đam mê với nghề, yêu lao động sản xuất nên vẫn muốn làm. Không ít người ái ngại khi thấy tôi cùng chiếc xe máy cà tàng chạy lên huyện, lên tỉnh tập huấn, lòng vòng khắp thôn, xã mà phụ cấp hàng tháng không nhiều, tôi cũng không lấy đó làm buồn bởi tôi biết mình vẫn giúp ích được nhiều người”.

Theo UBND xã Hưng Bình thì trước đây thôn 2 là một trong những thôn khó khăn nhất của xã nhưng hiện đang vươn lên trở thành thôn khá, tỷ lệ hộ nghèo năm sau bao giờ cũng thấp hơn năm trước. Trung bình năng suất các loại cây trồng ngày càng cao, cụ thể như cà phê đạt 3 tấn/ha, hồ tiêu: 3,5 tấn/ha, trong đó, đóng góp của khuyến nông viên thôn là rất lớn.

Ông Vui là người không nề hà khó khăn, vất vả, kiên trì vận động, hướng dẫn bà con ứng dụng tri thức mới vào trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tranh thủ tối đa những chủ trương, chính sách ưu tiên của ngành Nông nghiệp, nhà nước để giúp nhân dân địa phương được tiếp cận, ứng dụng những cái mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cộng tác viên khuyến nông tâm huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO