Người dân chủ động chi trả khi lựa chọn dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Vũ Trang| 03/04/2019 09:54

Thay vì thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), hiện nay, thông qua việc thực hiện Đề án 818 về xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chi trả để lựa chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu.

ADQuảng cáo

Từng bước thay đổi cách nghĩ, thói quen

Theo Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, Đề án 818 được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2016 với mục đích chia sẻ gánh nặng chi phí cho Nhà nước về các dịch vụ DS-KHHGĐ cũng như tạo hành lang, cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS cho người dân.

Khi tiếp nhận và triển khai đề án, Chi cục xác định việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân giữ vai trò quan trọng. Bởi thực tế thời gian qua, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS và vẫn có thói quen sử dụng miễn phí dịch vụ KHHGĐ do Nhà nước tài trợ. Vì vậy, một khi không còn được cấp phát mà phải tự bỏ tiền túi ra mua để sử dụng, nhiều người không dễ dàng chấp thuận ngay.

Là người trực tiếp đi tư vấn chị em về các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, chị Vi Thị Nam, cộng tác viên dân số xã Nam Xuân (Krông Nô) chia sẻ: “Ban đầu, khi chuyển từ phương tiện tránh thai miễn phí sang hình thức tiếp thị, chúng tôi cũng khó khăn lắm. Nhiều chị em e ngại không muốn dùng vì đã quen với các thuốc tránh thai cũ. Nhưng chúng tôi vẫn cứ kiên trì tư vấn, vận động nên dần dần các chị em đã bắt đầu chấp thuận, tin tưởng chuyển sang các loại tránh thai tiếp thị”.

Chị Vi Thị Nam (ngoài cùng bên phải), cộng tác viên dân số xã Nam Xuân (Krông Nô) tư vấn, vận động chị em sử dụng các phương tiện tránh thai

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hàng năm, các địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng truyền thông, tư vấn cho cán bộ dân số chuyên trách và cộng tác viên dân số trên địa bàn; đồng thời tập huấn cho các nhà thuốc để mời họ làm đại lý bán các sản phẩm của Đề án 818.

ADQuảng cáo

Riêng năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 40 cộng tác viên dân số, xây dựng 13 pa nô tuyên truyền, in hơn 1.000 cuốn sách tài liệu để phát cho người dân. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác xã hội hóa, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lực tuyên truyền, vận động, quảng bá sản phẩm đến người dân nên hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên.

Đây là một hướng đi không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng phương tiện tránh thai. Theo thống kê, riêng trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiêu thụ được trên 7.100 sản phẩm của Đề án 818; trong đó, cung ứng được 648 vỉ viên uống tránh thai, 6.336 bao cao su và một số sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ, hộp canxi…

Hướng đi tất yếu

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hiện nay, mặc dù việc tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đã được triển khai với nhiều hình thức khác nhau, nhưng lượng tiêu thụ qua “kênh” này vẫn còn thấp. Tuy nhiên, ngành cũng xác định rõ việc triển khai Đề án 818 là một hướng đi tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ một cách bền vững. Vì vậy, trên cơ sở những khó khăn, thách thức, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã nghiên cứu, đánh giá lại điều kiện thực tế tại địa phương, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh khác để xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao tính hiệu quả của đề án.

Trước mắt, công tác thông tin, tuyên truyền vẫn được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề xã hội hóa công tác dân số. Bên cạnh đó, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như củng cố, phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân; đa dạng hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả.

Cùng với việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, ngành cũng sẽ hỗ trợ bổ sung trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ/CSSKSS và nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập để thực hiện công tác xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS một cách hiệu quả...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải nâng cao trách nhiệm, cùng chia sẻ với ngân sách Nhà nước trong công tác DS-KHHGĐ, nhất là phải chủ động chi trả khi lựa chọn các dịch vụ KHHGĐ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân chủ động chi trả khi lựa chọn dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO