Người dân còn chủ quan, lơ là phòng, chống bệnh dại

Hà Thanh| 10/03/2020 09:17

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong.

ADQuảng cáo

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019, số chó trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng dại chỉ được 14.117 con, đạt tỷ lệ khoảng 20%. Cụ thể, TP. Gia Nghĩa 1.100 con, Cư Jút 1.300 con, Đắk Glong 2.040 con, Đắk Song 1.500 con, Đắk Mil 2.674 con, Krông Nô 1.766 con, Đắk R’lấp 2.387 con và Tuy Đức 1.350 con. Qua con số trên cho thấy, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại xem ra còn rất chủ quan.

Chó thả rông có thể gây nguy hiểm cho người đi đường

Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều người nuôi chó còn thiếu ý thức, không chấp hành các quy định đề ra như thả rông, không rọ mõm khi đưa ra ngoài đường, khi chó cắn người thì tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm, không hợp tác với cán bộ thú y trong quá trình tiêm phòng...

Tại các thôn, xóm luôn bắt gặp chó thả rông từng đàn, gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường, các em nhỏ và học sinh đi học. Nhiều trường hợp người đi xe máy bị chó đuổi cắn dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Nhiều cháu nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ mình, bị chó tấn công gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, chưa có bất cứ trường hợp chủ vật nuôi chó nào bị xử lý khi không chịu tiêm phòng và cũng không có chủ vật nuôi nào phải bồi thường thiệt hại khi để chó thả rông cắn người theo quy định Pháp lệnh Thú y…; nên không đủ sức răn đe và nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại.

ADQuảng cáo

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, nhất là nguy cơ phát sinh bệnh dại ở chó là rất cao.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu, cần thiết để phòng ngừa các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại

Khi người bị chó cắn, để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại cần thực hiện các biện pháp như rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm giập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn; sau đó, đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

Đối với con vật đã cắn người, phải được nhốt riêng không cho tiếp xúc với người hay những con khác để tránh sự lây lan. Chủ vật nuôi luôn theo dõi và thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn người trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân còn chủ quan, lơ là phòng, chống bệnh dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO