Người dân nên hiểu đúng về chương trình tiêm chủng mở rộng

Vũ Trang| 05/04/2016 10:18

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều gia đình lựa chọn việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ thay vì tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này không chỉ làm dịch vụ luôn trong tình trạng bị “cháy” hàng mà còn để lại nhiều hệ lụy không tốt đối với trẻ.

ADQuảng cáo

Các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đúng lịch và thời gian quy định

Do lo lắng trước thông tin các loại dịch bệnh, một số trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem... đã khiến nhiều gia đình có con nhỏ đổ xô đi tiêm vắc xin dịch vụ đã làm cho các loại vắc xin dịch vụ luôn quá tải và khan hiếm. Không những thế, một số loại vắc xin phòng bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: vắc xin phòng ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib cho trẻ dưới một tuổi... nhưng không được phụ huynh đưa trẻ đến tiêm mà lại chọn tiêm theo dịch vụ.

Điều đáng nói, khi vắc xin dịch vụ hết hàng, không ít phụ huynh lại chọn giải pháp chờ đợi thay vì cho trẻ tiêm chủng miễn phí vắc-xin theo đúng định kỳ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: “Theo lịch thì con trai tôi phải tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem từ tháng thứ 3. Thế nhưng, do e ngại, lo sợ phản ứng sau tiêm... tôi đã quyết định chọn giải pháp tiêm vắc xin dịch vụ vì nghe mọi người mách nhau loại vắc xin này an toàn hơn. Nhưng vì lý do hết vắc xin nên đến nay, con trai tôi đã hơn 8 tháng mới được tiêm mũi đầu tiên ”.

Tương tự, theo quy định, trẻ đủ 9 tháng sẽ được tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thế nhưng, thay vì tiêm chủng cho con theo đúng độ tuổi, chị Hà Thị Thu ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại quyết định chờ đến khi con đủ 18 tháng để được tiêm vắc xin dịch vụ phòng sởi - quai bị - rubella.

ADQuảng cáo

Hay sau khi nghe thông tin về bệnh viêm màng não mô cầu, chị Trần Thị Hoài Sương, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) liền đăng ký cho con tiêm vắc xin phòng bệnh tại các điểm tiêm dịch vụ. Theo quy định, con chị phải tiêm 2 mũi cách nhau 2 tháng. Tuy nhiên, khi đến lịch tiêm mũi thứ hai, cơ sở y tế nơi chị tiêm mũi đầu tiên đã thông báo hết vắc xin. Để bảo đảm lịch tiêm của con, chị Sương phải tìm hỏi nhiều nơi để được tiêm đúng lịch.

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết phụ huynh lựa chọn chờ đợi để được tiêm vắc xin dịch vụ vì cho rằng trẻ tiêm vắc xin dịch vụ sẽ an toàn, ít bị phản ứng sau khi tiêm. Bên cạnh đó, nhiều người còn có quan điểm, vắc xin dịch vụ mất tiền nên chắc chắn sẽ tốt hơn vắc xin tiêm miễn phí... Điều này dẫn tới các điểm tiêm vắc xin dịch vụ thường xuyên trong tình trạng khan hiếm.  

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thì tất cả loại vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng đều phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế và an toàn sử dụng. Vì vậy, người dân không nên lo lắng về chất lượng vắc xin.

Còn việc phản ứng sau tiêm như là một phần tất yếu khó tránh khỏi của tiêm chủng. Điều quan trọng là trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu rõ về việc tiêm chủng, thông báo về tình trạng sức khỏe của trẻ để cán bộ y tế cân nhắc trước khi tiêm hoặc hoãn lịch tiêm.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, mỗi gia đình đều có quyền lựa chọn nơi tiêm cũng như hình thức tiêm chủng cho trẻ miễn là trẻ được tiêm phòng đầy đủ để bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng về vắc xin dịch vụ.

Nếu các loại vắc xin dịch vụ thiếu trong khi vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng đầy đủ nhu cầu thì phụ huynh cũng nên cân nhắc cho trẻ tiêm phòng sớm. Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ là rất nguy hiểm vì trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh trước khi được tiêm vắc xin.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân nên hiểu đúng về chương trình tiêm chủng mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO