Người dân Suối Phèn ước mơ được làm "công dân" (kỳ 2): Tương lai… mịt mù!

Phan Tuấn - Văn Tâm| 15/11/2017 09:33

Không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân… đã khiến cho những người dân di cư tự do khu vực Suối Phèn, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) không thể tìm được cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Bởi thế, từ thế hệ này nối tiếp qua thế hệ khác… những con người này vẫn không thể thoát ly ra ngoài mà chỉ luẩn quẩn nơi rừng sâu.

ADQuảng cáo

Người dân khu vực Suối Phèn trong một buổi gặp mặt với UBND xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

Hiện hữu những chuyện... bi hài

Cũng như bao người khác, nhiều người trẻ ở Suối Phèn cũng nuôi những ước mơ muốn thoát ly khỏi chốn rừng sâu để lập nghiệp, đổi đời… Tuy nhiên, do không có giấy tờ tùy thân nên rất nhiều người dân nơi đây không thể "bước qua cổng rừng, tìm một chân trời mới".

Anh Ma A Súa (SN 1991) ngay từ nhỏ đã nuôi ước mơ học hết lớp 12, rồi đi học nghề để thoát nghèo. Tuy nhiên, đây chỉ là giấc mơ còn dang dở. Anh Súa tâm sự: “Gia đình tôi có 7 anh chị em, nhưng chỉ có mình tôi được học hết lớp 12. Mặc dù tôi có nguyện vọng đi học một cái nghề gì đó để tránh cảnh đói nghèo nhưng không thể được vì chẳng có chứng minh thư, không nơi nào chịu làm giấy tờ nhập học cho tôi”.

Thế nhưng, hiện Suối Phèn có trên 90 em theo học bậc tiểu học, trung học cơ sở đều được sinh ra ở đây. Còn ở quê cũ, giấy tờ đã thất lạc hoặc không đăng ký từ đầu nên chẳng ai có ý định về quê tìm làm hộ khẩu nữa.

Còn như anh Cư A Trân, cũng ở bản Suối Phèn cho hay: “Hiện có nhiều thanh niên trong vùng muốn thoát ly khỏi gia đình để kiếm việc làm, cải thiện thu nhập nhưng không biết phải làm thế nào? Anh Trân giải bày: “Chúng tôi muốn đi xin làm công nhân cho các doanh nghiệp, nhưng đến đâu họ cũng không dám nhận”.

Không chỉ các em học sinh đi thi cử, nhập học, thanh niên xin việc làm gặp khó mà nhiều người muốn rời địa phương vài ba ngày đi công việc cũng không dễ.

Anh Giàng A Quang, một người dân ở Suối Phèn kể: “Một lần tôi đi ra xã Quảng Khê mua cây giống dâu tằm, do đi chiều muộn nên dự định tối nghỉ lại nhà trọ sáng mai gửi cây giống theo xe người quen về luôn thể. Nhưng đến nhà nghỉ nào tôi cũng bị từ chối vì không có giấy tờ tùy thân. Do đó, tôi phải tìm bờ bụi để ngủ lại qua đêm. Từ đó tôi thấy hoảng sợ và không dám đi ra khỏi bản nữa”.

Không được đến trường, hàng ngày các em vui đùa với bùn đất

Theo ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, con em không có sổ hộ khẩu, sau khi học hết cấp III thì việc thi cử, học hành, xin công ăn việc làm cũng không được. Mặt khác, việc đi ra ngoài xã không có giấy tờ tùy thân thì mọi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tiếp nhận, không cho tạm trú, lưu trú... Do đó, đây là vấn đề khó nhất mà địa phương đã kiến nghị nhiều lần đối với các cấp, ngành nhưng đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được.

Đi sâu hơn vào bản, thi thoảng trong khoảng sân trống của một vài khóm nhà, chúng tôi bắt gặp các cô gái tuổi 14 – 15, nhưng đã lom khom địu con nhỏ trên lưng. Nhìn các em dỗ dành, bồng bế con nhỏ một cách vụng về, làm bất cứ ai trông thấy cũng chung một suy nghĩ là vì chính người mẹ vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên. Theo một cán bộ phụ trách văn hóa xã Quảng Hòa thì hiện tại, vấn đề nhức nhối nhất ở đây, ngoài tảo hôn thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong các gia đình vẫn còn diễn ra khá nhiều.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, không chỉ hủ tục lạc hậu còn tồn tại khiến cho quan niệm hôn nhân cận huyết thống đối với bà con là chuyện bình thường mà một phần là do hoàn cảnh khó khăn, không được bảo vệ đã khiến cho những cô gái Mông nơi đây rơi vào hoàn cảnh bi đát. Chị Vàng Thị Dí, sinh năm 1998, lập gia đình đã gần 10 năm. Người chồng của chị hiện nay cũng chính là đứa em con cậu ruột của chị.

Chị Dí cho biết: “Do trước đây bố mẹ mất sớm, mấy chị em sống với ông cậu. Khi gần đến tuổi trưởng thành, cuộc sống tách biệt với bên ngoài nên quanh năm chỉ biết quanh quẩn trong bản. Không có bạn bè, nghe cậu bảo phải lấy gần thì mới thương nhau được. Do tôi còn nhỏ, lại không có sự lựa chọn nào hơn nên phải lấy chồng theo ý của cậu mình”.

Cùng cảnh ngộ với chị Dí, chị Hoàng Thị Chanh, sinh năm 1980 cũng lấy con chú ruột làm chồng. Đến nay, chị đã sinh được 4 người con, cháu đầu 15 tuổi, cháu nhỏ 8 tuổi. Mặc dù chị đã cố gắng cho các con đi học, tiếp xúc với trẻ em cùng lứa một cách bình thường, nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, chị Chanh tỏ ra hối hận: "Bây giờ đã có 4 mặt con, biết chuyện thì đã muộn rồi. Không chỉ hối tiếc vì con chú, con cậu cưới nhau mà hậu quả tai hại hơn là sức khỏe các cháu ngày một biểu hiện không bình thường. Các cháu nay đau, mai sốt, còi cọc, bệnh tật nhiều và đặc biệt là không nhanh nhẹn như trẻ con trong xóm"- Chị Chanh chia sẻ.

Qua tìm hiểu, ở Suối Phèn hiện có gần 20 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống và hàng chục trường hợp tảo hôn. Do cuộc sống luẩn quẩn nơi rừng núi heo hút, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật hạn chế, ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên không ít những hệ lụy đã xảy ra từ nhiều năm ở nơi đây mà đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hiện nay, tại khu vực Suối Phèn có trên 85 em ở độ tuổi mầm non chưa được đến trường. Chỉ khi các em đủ tuổi đi học lớp 1, có thể tự nấu ăn được thì bố mẹ các em mới dám gửi con ở ngoài trường để đi học.

Chị Vàng Thị Dí (sinh năm 1998) và chị Hoàng Thị Chanh (sinh năm 1980) là hai trong số hàng chục phụ nữ ở Suối Phèn có cuộc sống hôn nhân cận huyết thống

Những vướng mắc chưa được tháo gỡ

Trở về sau chuyến đi dài ngày ở Suối Phèn, chúng tôi đã mang câu chuyện này để trao đổi với ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong.

Theo ông Thuần, chuyện thành lập thôn cho Suối Phèn là điều mà huyện Đắk Glong cũng đã trăn trở. Đã nhiều năm qua, huyện đều có văn bản đề nghị cơ quan chức năng sớm đồng ý cho huyện lập thêm thôn Suối Phèn. Chỉ có thể thành lập thôn thì những đứa trẻ ở đây mới làm được hộ khẩu, có chứng minh thư… để bước ra "cổng rừng", hòa nhập với xã hội, phát triển tương lai. Tuy nhiên, những đề nghị này của huyện vẫn chưa được tỉnh hồi âm.

Còn theo ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, năm 2016, UBND tỉnh đã giao trả 170,8 ha đất của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON quản lý về cho địa phương để bố trí sử dụng và quy hoạch khu dân cư ở khu vực Suối Phèn, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành được. Vì vậy, UBND tỉnh cần có những cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ cho đồng bào, đặc biệt đồng bào người Mông. Bởi bà con vào đây sau khi đã di cư qua nhiều nơi, do vậy, không xác định được những nơi sinh ra ở đâu và ở nơi đâu là lần đầu tiên đến, trước khi dừng chân hẳn ở nơi đây.

Ông Thủy cho rằng: “Mặt khác, huyện, tỉnh cần sớm có chủ trương thành lập, tách thôn vì bà con đã ở ổn định tuy là trên đất rừng. Nếu không cho ở thì nên cấm ngay từ đầu, bây giờ đuổi thì bà con biết đi đâu? Còn nếu không thống nhất được chủ trương thành lập thôn thì phải sớm có biện pháp giải quyết phù hợp để các cháu được học hành, người ốm đau được hưởng bảo hiểm y tế, các quyền lợi dân sự được thuận lợi…”.

Như vậy, chưa nói đến thế hệ cha, anh, ước mơ được bước ra "khỏi cổng rừng" của cả trăm trẻ em dưới 5 tuổi ở Suối Phèn cũng khó thành hiện thực nếu nhà nước không sớm tháo gỡ những khó khăn về hành chính, pháp lý.

>> Kỳ 3: Cần sớm có giải pháp tháo gỡ cho người dân Suối Phèn

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Suối Phèn ước mơ được làm "công dân" (kỳ 2): Tương lai… mịt mù!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO