Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở bon Đắk Nang

Hà Hồng - H’Dơng| 30/01/2018 09:36

Người mà chúng tôi muốn nói đến ở đây đó là bà H'Giàng ở bon Đắk Nang, thôn 2, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Nhiều năm qua, bà luôn được bà con trong vùng yêu quý và “nhờ vả” mỗi khi có nhu cầu may trang phục truyền thống của dân tộc Mạ.

ADQuảng cáo

Bà H'Giàng hàng ngày vẫn cần mẫn dệt trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mạ

Nỗ lực truyền nghề

Bà H’Giàng năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng theo học nghề dệt thổ cẩm từ năm 13 tuổi. Được những thế hệ đi trước truyền dạy lại, kể từ đó bà luôn gắn bó và coi nghề dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. “Hồi còn trẻ, mình còn sức khỏe thì vừa làm nương rẫy vừa dệt thổ cẩm. Bây giờ nhiều tuổi rồi nên mình chỉ ở nhà dệt thổ cẩm, vừa thỏa đam mê vừa muốn lưu giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc”. bà H’Giàng tâm sự.

Khu vực huyện Đắk Glong tập trung nhiều đồng bào Mạ sinh sống, nhưng rất ít người còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống như đan gùi, nong, nia hay dệt thổ cẩm…Khi chứng kiến nét đẹp truyền thống của dân tộc Mạ đang dần bị mai một, bà H’Giàng đã vận động con cháu, những thế hệ trẻ trong bon theo học nghề dệt từ bà. Tuy nhiên, mong muốn của bà vẫn chưa được hoàn thành một cách trọn vẹn khi nhiều người tới học nhưng rồi lại bỏ ngang giữa chừng.

Là một trong những người từng đến nhà bà H’Giàng học nghề dệt thổ cẩm, chị H’Thu ở thôn 2 chia sẻ: “Tôi từng đến nhà bà H’Giàng học cách dệt thổ cẩm hơn 3 tuần. Thế nhưng, do không có nhiều thời gian cũng như không đủ kiên nhẫn nắm bắt những cái khó của nghề  nên tôi đã bỏ cuộc giữa chừng”.

Theo bà H’Giàng, nguyên nhân dẫn đến điều này chính là lòng kiên trì của người theo học. Dệt thổ cẩm yêu cầu công phu tỉ mỉ, họa tiết, hoa văn phức tạp cần nhiều thời gian để ghi nhớ, nhưng một số người theo học thấy khó mà bỏ dở giữa chừng. Một phần do lớp trẻ bây giờ khá thờ ơ, ít quan tâm đến những thứ tạo nên giá trị văn hóa của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Trang phục truyền thống được người Mạ mặc trong dịp lễ cưới

Có thêm thu nhập

“Cũng may nhờ cái nghề dệt thổ cẩm, vừa lưu giữ được “cái hồn” của dân tộc mà từ đó mình cũng kiếm được kha khá tiền để trang trải cuộc sống  khi tuổi cao không thể lao động nặng nhọc như trước kia…” bà H’Giàng chia sẻ.

Dù xã hội ngày càng hiện đại, cùng với sự giao thoa nhiều bản sắc văn hóa khác nhau trong cộng đồng, nhưng mỗi khi có dịp lễ đặc biệt như cưới hỏi, mừng mùa lúa mới… đồng bào Mạ vẫn luôn tìm đến bộ trang phục dân tộc để mặc. Nhu cầu mặc trang phục truyền thống thì nhiều, nhưng người biết dệt thổ cẩm không còn bao nhiêu. Vì vậy, bà H’Giàng là một trong số những người ít ỏi ở huyện Đắk Glong được bà con tìm đến để đặt dệt, may các trang phục truyền thống. Không những vậy, bà con còn phải đặt hàng trước khá lâu mới sở hữu được bộ trang phục truyền thống dân tộc Mạ.

Để dệt được một bộ trang phục truyền thống phải mất khoảng 2 ngày mới xong, còn 1 cái “ồi” địu con phải mất khoảng 3 ngày. Đối với trang phục truyền thống, một bộ bà H’Giàng bán ra với giá khoảng 500.000 đồng; còn 1 cái “ồi” giá cao hơn khoảng 700.000 đồng. Trung bình một tháng, bà thu nhập khoảng 5 triệu đồng từ dệt thổ cẩm.

Bà H'Giàng cho biết “Mặc dù giá cả có cao hơn trước nhưng người đặt hàng ngày một nhiều hơn, một mình làm không kịp, có hôm phải dệt từ sáng tới tối muộn mới kịp giao cho khách hàng”.

Tuổi cao sức yếu, nhưng bà H’Giàng vẫn cần mẫn làm ra những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, vừa góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa mang lại nguồn thu nhập, lo cho cuộc sống hàng ngày. Tấm lòng, sự tâm huyết của bà H'Giàng rất đáng trân trọng và nhắc nhở thế hệ trẻ cần phải học hỏi, biết trân trọng với bản sắc văn hóa truyền thống của ông cha để lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở bon Đắk Nang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO