Người mẹ ba lần khóc thầm lặng lẽ...

Thanh Nga| 29/06/2017 15:27

Vào một buổi trưa hè cuối tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Gấm ở tổ dân phố 4, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Mẹ đón chúng tôi vào nhà như đón một người con thân thương lâu ngày tới thăm, dù rằng đây là lần đầu tiên được gặp mẹ. Tôi đã cười tươi lúc mẹ bước ra, nhưng rồi không cầm được nước mắt khi nhìn lên bàn thờ có đến 3 tấm Bằng “Tổ quốc ghi công”.

ADQuảng cáo

Mẹ Gấm được 3 đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời

Mẹ Gấm quê ở xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sau đó  cùng các con vào Đắk Nông sinh sống. Mẹ Gấm có tất cả 13 người con thì có tới 10 người tham gia chiến đấu chống Mỹ và 3 người đã hy sinh. Mẹ có 2 người chồng, người chồng đầu tiên họ Vũ có với mẹ chỉ duy nhất một người con là liệt sĩ Vũ Huy Chiêu (SN 1947 và hy sinh năm 1971 tại chiến trường tỉnh Tây Ninh). Sau khi người chồng họ Vũ mất do bệnh tật, mẹ đi bước nữa với người chồng họ Đoàn và cũng mất sớm.

Mẹ Gấm kể: "Chiêu từng tham gia chiến đấu tại Quảng Đức, sau đó cùng đơn vị về miền Đông và hy sinh tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Mộ Chiêu đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh và mẹ đã tới thăm nhiều lần rồi vì cũng có đứa em gái đang sinh sống ở trong đó. Khi đi bộ đội, nó chưa lập gia đình. Nó to, cao, đẹp trai và sắc sảo nên nhiều người con gái yêu thương. Lúc đó nó chỉ mới 17 tuổi, chưa học xong, nhưng khai thêm 1 tuổi và xung phong đi đánh giặc. Nó thương mẹ lắm, ngày đi bộ đội, cứ cầm tay mẹ và dặn dò: Đánh hết giặc thì con mới về, mẹ đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Mỗi lần viết thư về là nó thường kể chuyện đánh giặc và cứ dặn: Mẹ cố giữ gìn sức khỏe, con có hy sinh thì mẹ, đất nước mới bình yên được. Sau gần 7 năm tham gia chiến đấu, cuối tháng 3 năm 1971, Chiêu đã hy sinh. Mẹ cầm trên tay giấy báo tử người con trai cả mà thắt ruột, thắt gan”.

Tiếp bước người anh cùng mẹ, khác cha, người con thứ 2 của mẹ là Đoàn Văn Vương cũng lên đường tham gia chiến đấu tại những chiến trường ác liệt như Tây Nguyên, Sài Gòn, rồi sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế và hy sinh tại nước bạn đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Cũng như người anh của mình, anh Vương hy sinh khi chưa lập gia đình.

Đôi mắt ngấn lệ, mẹ Gấm kể: “Thằng Vương cũng hay viết thư về động viên mẹ và gửi cả ảnh, khăn tay về cho mẹ. Mẹ tưởng rằng không thể vượt qua nổi khi trong vòng 1 tháng nhận đến 2 giấy báo tử của 2 người con. Đau khổ lắm con ơi! Mẹ vừa mới nhận giấy báo tử của thằng Chiêu xong thì khoảng chục ngày sau lại nhận tin thằng Vương cũng ra đi. Trước khi thằng Vương mất, mẹ còn nhận tin báo về người em trai của mẹ cũng hy sinh sau khi chở 7 chuyến gạo vào miền Nam cho bộ đội. Em trai của mẹ hy sinh lúc đang chuẩn bị cưới vợ. Chiến tranh thật tàn khốc và ác liệt. Lúc đó, mẹ cứ nghĩ sao mà hy sinh nhiều thế!”.

ADQuảng cáo

Chiến tranh là thế, nhưng rồi mẹ vẫn lần lượt cho các con đi chiến đấu. Bởi mẹ hiểu, có gia đình nào bình yên khi đất nước còn bom đạn của giặc Mỹ hoành hành. Mẹ phải cho các con đi để đánh đuổi hết giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi, để mỗi gia đình không còn chết chóc vì bom, đạn chiến tranh.

Một người con nữa của mẹ lại anh dũng hy sinh, đó là liệt sĩ Đoàn Văn Nhạn. Mẹ tâm sự: “Nhạn làm công an và hy sinh tại A Pa Chải - ngã ba biên giới một xã của tỉnh Điện Biên. Nơi đây được ví là “một con gà gáy 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc cùng nghe”. Nhạn hy sinh khi đó đã có vợ và 2 người con”.

Ba người con hy sinh, nhưng sau đó, mẹ vẫn lần lượt cho 7 người con cả trai, cả gái đều đi bộ đội. Mẹ Gấm chia sẻ: “Có sự hy sinh nào mà không đau thương. Trong khi cả dân tộc đang dốc toàn sức, toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người mẹ khác cũng có con hy sinh, nhưng vẫn tiếp tục để những đứa con khác ra chiến trường, chẳng lẽ mẹ lại đừng. Lúc đó, mẹ tin lời Bác Hồ nói “đất nước ta nhất định thống nhất, nhất định giành lại độc lập, tự do” và ngày đó sẽ đến. Lời Bác Hồ nói đã thúc giục những người mẹ như mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc. Mẹ nghĩ, đất nước có bình yên thì gia đình mới bình yên. Mẹ phải giấu nỗi đau để động viên các con tiếp tục lên đường đi đánh giặc và  may mắn những đứa con sau này đã bình yên trở về với mẹ”.

Cứ thế, chúng tôi được nghe mẹ Gấm kể về những đứa con. Giờ thì các con, các cháu của mẹ ở nhiều miền quê trong cả nước như Thái Bình, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh. Điều mẹ Gấm vui đó là các con, cháu đều trưởng thành. Bên cạnh được các con, cháu chăm sóc, mẹ còn được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền. Mẹ được 3 đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, Công an tỉnh, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’tíh.

Năm 2016, mẹ Gấm được Công ty Mobifone xây tặng căn nhà tình nghĩa khang trang ở ngay bên cạnh nhà của người con trai. Trong câu chuyện, mẹ Gấm không đòi hỏi gì ở chính quyền, xã hội đối với những hy sinh thầm lặng của mình mà chỉ mong rằng có dịp được ra Hà Nội viếng Lăng Bác Hồ kính yêu. Năm nay đã 91 tuổi, thời gian của mẹ còn bao nhiêu nữa. Chia tay mẹ, chúng tôi chỉ thầm mong mong muốn của mẹ sẽ sớm trở thành hiện thực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mẹ ba lần khóc thầm lặng lẽ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO