Người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tham gia bảo hiểm y tế

Vũ Trang| 27/11/2017 10:57

Từ ngày 1/1/2018, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai đồng bộ việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân HIV/AIDS buộc phải tham gia BHYT để duy trì khả năng điều trị lâu dài.

ADQuảng cáo

Sẽ gặp nhiều khó khăn

Lâu nay, được sự hỗ trợ của các dự án nước ngoài, người nhiễm HIV điều trị ARV được hoàn toàn miễn phí thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm... Từ năm 2017, các dự án nước ngoài giảm dần tài trợ và đến năm 2018 sẽ tiến tới cắt hẳn. Do đó, việc điều trị của các bệnh nhân sẽ tốn kém hơn vì bệnh nhân HIV/AIDS phải được duy trì sử dụng thuốc liên tục và suốt đời.

Theo bác sĩ Trần Đức Phú, Trưởng Khoa Quản lý điều trị (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh), hiện tại, mỗi bệnh nhân HIV/AIDS phải tốn khoảng 3,5 triệu đồng/năm cho 1 phác đồ điều trị. Nếu nguồn thuốc ARV không được tài trợ, đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải chi trả chi phí đó. Đây là một gánh nặng không hề nhỏ đối với bệnh nhân và gia đình. Lâu nay, mặc dù người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được điều trị ARV hoàn toàn miễn phí, nhưng tỷ lệ tham gia điều trị vẫn còn thấp. Vì vậy, một khi việc điều trị ARV không được miễn phí nữa, công tác quản lý và điều trị cho các đối tượng này sẽ còn khó khăn hơn.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Oanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cũng cho biết: “Phần lớn người nhiễm HIV trên địa bàn đều có điều kiện kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp, việc làm ổn định. Nếu không được điều trị ARV miễn phí thì khả năng bỏ điều trị sẽ rất cao”.

Một khó khăn khác khi triển khai khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đó là việc chuyển nơi khám, chữa bệnh của người nhiễm HIV/AIDS từ trung tâm y tế sang bệnh viện.

ADQuảng cáo

Tỉnh hỗ trợ bước đầu

Để người nhiễm HIV không bị gián đoạn điều trị, Bộ Y tế đưa việc điều trị ARV vào danh mục thuốc BHYT chi trả. Các dịch vụ do BHYT chi trả cho người nhiễm HIV gồm: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV.

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh đã thống nhất sử dụng kinh phí từ nguồn kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT tỉnh để thực hiện chi trả 80-100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Phần cùng chi trả còn lại sẽ được xem xét chi từ nguồn quỹ hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 05 của UBND tỉnh.

Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 185/243 người nhiễm HIV/AIDS đã có thẻ tham gia BHYT; trong đó 66 người được hỗ trợ cấp thẻ từ nguồn quỹ kết dư BHYT của tỉnh, 119 người tự mua và được hỗ trợ mua từ nguồn khác. Trung tâm đã tiến hành ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh bổ sung khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS vào khám, chữa bệnh BHYT hàng năm.

Bác sĩ Tăng Hải Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV là rất cần thiết, vì điều trị ARV là quá trình liên tục và suốt đời. Ngoài ra, người nhiễm HIV rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cũng như phải làm các xét nghiệm theo dõi cần thiết định kỳ trong suốt quá trình điều trị ARV. Nếu người nhiễm HIV tự chi trả thì phần lớn sẽ không kham nổi, dẫn tới bỏ điều trị. Do đó, cùng với việc kiện toàn cơ sở điều trị và các điều kiện khám, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV, ngành đang tích cực tuyên truyền để cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng hiểu rõ lợi ích của việc mua BHYT, đồng thời, huy động cá nhân, tổ chức hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS mua BHYT”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tham gia bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO