Người Phú Thọ ở thị xã Gia Nghĩa: Phát huy tinh thần tương thân tương ái

Văn Tâm| 14/04/2019 07:24

Chi Hội đồng hương huyện Thanh Thủy và vùng phụ cận, tỉnh Phú Thọ tại thị xã Gia Nghĩa đi vào hoạt động hơn 10 năm qua. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, các hội viên đã đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Thái Ban, Chi hội Trưởng Chi hội đồng hương huyện Thanh Thủy và vùng phụ cận, tỉnh Phú Thọ tại thị xã Gia Nghĩa thì từ những ngày đầu thành lập, Chi hội đã xác định mục đích hoạt động là hướng đến xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng vững chắc. Đó chính là nền tảng để các hội viên giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống kinh tế, hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn trong rủi ro, hoạn nạn, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa tốt của quê hương.

Chính vì lẽ đó, những năm qua, các thành viên trong Chi hội đã nêu cao tinh thần tự nguyện, lấy Chi hội làm nơi hội tụ, gắn kết con, cháu, dâu, rể để hỗ trợ nhau về vốn liếng làm ăn, cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và động viên nhau vượt qua khó khăn, đau ốm.

Vợ chồng anh Đặng Văn Minh ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa vui mừng đón những quả sầu riêng đầu tiên tại vườn nhà

Gia đình anh Đặng Văn Minh ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, trước đây nguồn thu nhập chủ yếu từ hơn 1 ha cà phê, tiêu. Anh muốn mở rộng sang nghề chăn nuôi để tăng thu nhập, nhưng thiếu vốn. Khoảng năm 2014, gia đình anh Minh được Chi hội trích tiền quỹ hội, hỗ trợ cho anh vay 10 triệu đồng. Có được số vốn ban đầu, anh Minh thêm tiền mua 20 con dê về nuôi.

ADQuảng cáo

Anh Minh cho biết: “Được bà con trong Chi hội đồng hương ưu ái cho vay tiền, tuy không nhiều nhưng cũng đã giúp tôi có động lực và mạnh dạn đầu tư thêm để mua dê về nuôi”.

Theo anh Minh, mỗi năm, đàn dê sinh sản, anh bán hàng chục con dê thịt để trả tiền vay và trang trải chi tiêu trong gia đình. Mới đây, do chuồng dê của anh Minh chủ yếu là giống dê cỏ, tuy ít bệnh tật nhưng trọng lượng nhỏ nên anh đã bán toàn bộ đàn dê trên 50 con, với số tiền trên 40 triệu đồng để mua giống dê boer về nuôi. Đây là giống dê Nam Phi với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh và cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê khác, nên lợi nhuận từ giống dê này cũng cao hơn. Do đó, anh Minh hy vọng những năm tới, việc chăn nuôi dê của gia đình sẽ mang lại nhiều khả quan. Nhờ chí thú làm ăn với mô hình đa cây, đa con, như trồng xen sầu riêng, bơ, cam trong vườn cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi thêm gà, bồ câu, heo… mấy năm trở lại đây, kinh tế của gia đình anh Minh không những ổn định mà anh chị còn mua thêm được đất vườn để mở rộng sản xuất.

Ông Đinh Xuân Đoài, thành viên Ban liên lạc Chi hội cho biết: “Quỹ hội được gây dựng thông qua đồng vốn đóng góp từ các hội viên. Tại các cuộc họp định kỳ 6 tháng một lần, các thành viên lựa chọn, đề xuất các hộ gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn”. Trong năm 2018, bà con đóng góp được gần 55 triệu đồng. Số tiền này đã được bố trí cho 6 hộ có hoàn cảnh khó khăn vay để làm ăn.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Ban, ngoài việc sử dụng quỹ hội để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất, hàng năm, Chi hội đồng hương huyện Thanh Thủy và vùng phụ cận, tỉnh Phú Thọ tại thị xã Gia Nghĩa còn kêu gọi, vận động hội viên tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, hưởng ứng các chính sách xã hội. Đáng chú ý là Chi hội còn trích ra một phần quỹ để sử dụng vào các hoạt động như: Mừng thọ, thăm hỏi hội viên ốm đau… Theo dự kiến, năm 2019, Chi hội sẽ tổ chức các hoạt động khuyến học cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập nhằm động viên thế hệ trẻ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để tiếp nối cha anh phát huy truyền thống “Đất Tổ, vua Hùng”, góp sức xây dựng quê hương Gia Nghĩa ngày một phồn thịnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Phú Thọ ở thị xã Gia Nghĩa: Phát huy tinh thần tương thân tương ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO