Người Thái Bình trên vùng đất Đắk Sin

Đức Hùng| 17/09/2019 09:21

Đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế, những người đồng hương Thái Bình đang bắc những nhịp cầu sẻ chia đầy yêu thương tại Đắk Sin...". Đó là những lời chia sẻ của bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) về những người Thái Bình đang sinh sống trên vùng đất Đắk Sin.

ADQuảng cáo

Bén duyên  nơi vùng đất mới

Năm 1995, lúc 25 tuổi, anh Vũ Đăng Thành, quê ở xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư (Thái Bình) quyết định rời quê hương đi lập nghiệp. "Lang thang" qua nhiều tỉnh thành, mãi đến khi tiếp cận với vùng đất thôn 2, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), anh Thành cảm thấy có nhiều tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, nên quyết định dừng chân và định cư lập nghiệp. Bước đầu khởi nghiệp, trong điều kiện thiếu vốn, anh Thành chọn cách đi ở đợ và làm thuê cho người dân trên địa bàn. Quá trình làm việc, anh vừa tích luỹ vốn liếng, vừa học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây trồng còn khá mới mẻ, lạ lẫm như hồ tiêu, cà phê, điều... 

Vườn tiêu trĩu quả của gia đình anh Vũ Đăng Thành, quê Thái Bình

Sau khoảng một năm, anh Thành đã mua được 1 ha đất trống. Anh bắt tay trồng cà phê, cây ngắn ngày và tiếp tục đi làm thuê để “học từ thực tiễn” kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Thành nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của những người trồng cà phê lâu năm để áp dụng cho gia đình mình. Với phương châm “lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày”, chỉ sau 3 năm, anh Thành đã khấm khá về kinh tế, mua thêm 3 ha đất và trồng đầy đủ các loại cây thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, cao su. Trong quá trình lao động, anh nhận thấy mỗi năm lượng phân bón cho cây trồng rất lớn và có thể tận dụng phân chuồng để bón cho cây, giúp giảm chi phí đầu tư. Từ đó, anh Thành đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi heo.

Từ quy mô nhỏ, vừa chăn nuôi vừa học tập kinh nghiệm, đến năm 2008, anh đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô 500m2, nuôi hàng trăm con heo, trong đó có 25 con heo nái để tự chủ về giống. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 500 con heo thịt. Với nguồn thu nhập từ 1.000 cây cà phê, 1.000 trụ tiêu, 1 ha cao su, 500 con heo thịt, mỗi năm gia đình anh Thành thu về khoảng 1 tỷ đồng. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh Thành cũng là một trong những gia đình tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của những người con Thái Bình xa xứ. Hai người con của gia đình anh đều chăm ngoan, học giỏi. Con cả là Vũ Văn Đức, học giỏi và hiện đang là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, ngành Điện, điện tử. Còn em Vũ Văn Huy, hiện đang học lớp 11, trường Nguyễn Tất Thành (Đắk R'lấp), mỗi học kỳ, em đều được tuyên dương vì có thành tích học tập khá, giỏi.

Gia đình anh Vũ Đăng Thành chăn nuôi heo vừa tạo nguồn thu nhập vừa tận dụng phân bón cho cây trồng

Cũng là người ở xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, ông Nguyễn Trung Quang, 52 tuổi, đến thôn 2, xã Đắk Sin, lập nghiệp sớm hơn một năm so với anh Thành. Ông Quang chia sẻ, trong một lần vào thăm bà con đồng hương tại Đắk Sin, thấy được vùng đất lành, nên ông đã quyết định chọn Đắk Nông làm nơi ở mới cho cả gia đình. Buổi đầu lập nghiệp thiếu vốn, nhưng gia đình ông đã được những người đồng hương Thái Bình tạo điều kiện để khởi nghiệp. Trong đó, một người đồng hương đã bán nợ cho gia đình ông 1 ha đất để canh tác. Đây là cơ sở để gia đình ông tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế ổn định. 

Thời điểm mới vào Đắk Sin, ông Quang chưa quen với việc chăm sóc cây công nghiệp, nên cũng đi làm thuê để học hỏi và đặc biệt được những người đồng hương chia sẻ kinh nghiệm. Sau 5 năm lập nghiệp, kinh tế từng bước ổn định, đời sống gia đình ông ngày càng khá giả. Gia đình ông bắt đầu tổ chức sản xuất một cách bài bản, phát triển vườn rẫy một cách căn cơ, có khoa học. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Quang thu từ 2 ha cà phê, 1 ha mắc ca được khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư góp vốn kinh doanh với những người đồng hương trên địa bàn, mang lại nguồn thu nhập 250 triệu đồng mỗi năm.

ADQuảng cáo

Bên cạnh phát triển kinh tế, gia đình ông Quang cũng là gia đình tiêu biểu của tinh thần hiếu học. 2 con của ông Quang đều là học sinh giỏi. Con đầu là Nguyễn Mạnh Tuấn đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Tuấn đã về làm cho một doanh nghiệp do một người ở quê Thái Bình làm chủ. Con thứ hai là Nguyễn Trung Thành, hiện đang học năm thứ 2, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. 

Ông Nguyễn Trung Quang, quê Thái Bình, chăm sóc vườn cà phê trong mùa mưa

Đoàn kết, tương thân tương ái

Năm 2015, Hội đồng hương xã Đồng Thanh tại Đắk Sin được thành lập với 48 hội viên. Ông Nguyễn Trung Quang, Trưởng Ban liên lạc hội đồng hương Đồng Thanh cho biết, xuất phát từ tình cảm quê hương, những người con ở đây thành lập hội đồng hương nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. 

Năm 2017, gia đình anh Lê Văn Trường, trú tại thôn 2, xã Đắk Sin (thành viên hội đồng hương Đồng Thanh) gặp khó khăn về vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Hội đồng hương Đồng Thanh đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho gia đình anh Trường đầu tư chuồng trại, mua giống để chăn nuôi heo. Sau 2 năm, anh Trường đã trả lại vốn cho hội và mở rộng cơ sở chăn nuôi với quy mô 500m2.

Tương tự, năm 2016, trước những khó khăn về vốn đầu tư gia đình anh Nguyễn Trung Tuấn, trú tại thôn 2, được hội hỗ trợ 30 triệu để chăm sóc cà phê, tiêu. Từ chỗ kinh tế khó khăn, gia đình anh từng bước vượt khó, trả hết khoản vay của hội và tạo nguồn thu nhập khoảng 100 triệu mỗi năm. 

Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho hay, trên địa bàn có khoảng 500 hộ dân quê ở Thái Bình đang sinh sống, tập trung chủ yếu tại các thôn 1, thôn 2, thôn 3. Người Thái Bình nổi bật với các phẩm chất chịu thương, chịu khó, sống chan hòa, chân tình, mộc mạc.

Hiện nay Hội đồng hương Đồng Thanh đã huy động được 192 triệu tiền quỹ để cho hội viên vay phát triển kinh tế. Quỹ đang hỗ trợ cho 8 hội viên vay mượn không tính lãi suất để phát triển kinh tế. Từ khi thành lập quỹ đến nay, hàng chục lượt thành viên khó khăn đã được Hội đồng hương Đồng Thanh hỗ trợ vay vốn, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Ngoài hỗ trợ về kinh tế, Hội đồng hương xã Đồng Thanh còn gây quỹ khuyến học. Những năm qua, quỹ đã hỗ trợ cho nhiều con em của các thành viên trong hội đồng hương để các em nỗ lực trong học tập. Năm học vừa qua, quỹ đã tuyên dương 16 học sinh, sinh viên là con em các gia đình đồng hương Đồng Thanh đang theo học tại các cấp học có thành tích học tập tốt. 

Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho hay, cùng với Hội đồng hương xã Đồng Thanh còn có hội đồng hương quê Thái Bình. Trong những năm qua, hội đồng hương Thái Bình đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hội đồng hương Thái Bình đã hỗ trợ nhau về vốn để phát triển sản xuất, thành lập quỹ khuyến học để động viên con em trong học tập và có nhiều đóng góp trong các hoạt động của địa phương. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thái Bình trên vùng đất Đắk Sin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO