Người thương binh, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thanh Nga| 06/07/2017 15:27

Trở về sau chiến tranh, bằng ý chí, nghị lực của người lính, thương binh Võ Văn Thiều ở thôn 5, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vươn lên trong cuộc sống, trở thành một doanh nhân thành đạt.

ADQuảng cáo

Ngoài trồng cà phê, thương binh Võ Văn Thiều còn là chủ doanh nghiệp đang ăn nên làm ra

Không những bản thân là thương binh, ông Thiều còn là con liệt sĩ vì có bố là Võ Văn Nhiễu, hy sinh trong thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1970.

Năm 1976, lúc đó, chàng thanh niên Võ Văn Thiều quê Nghệ An tròn 18 tuổi đã tình nguyện lên đường đi bộ đội. Giữa tháng 11/1978, ông Thiều cùng với đồng đội thuộc Trung đoàn 2 (Quân khu 4) lên tàu quân sự thần tốc hành quân xuyên đất nước vào chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, tại cửa khẩu Xà Xía, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, ông Thiều lại tiếp tục tham gia quân tình nguyện sang hỗ trợ nước bạn Campuchia tiêu diệt tận gốc bọn Pôn Pốt và củng cố, xây dựng chính quyền. Cuối năm 1983, ông Thiều về nước và về quê, lập gia đình. Trở về sau cuộc chiến với tỷ lệ thương tật là 3/4 nhưng ông Thiều luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi về quê, ông Thiều chuyển ngành và làm tại Công ty quản lý nhà đất TP. Vinh (Nghệ An).

ADQuảng cáo

Năm 1991, ông Thiều nghỉ việc theo chế độ và năm 1994 thì cùng với vợ và 2 con đến xã Nhân Cơ lập nghiệp bằng nghề nông. Với vốn liếng tích góp được, gia đình ông mua được 6 ha rẫy và trồng cà phê. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của đồng đội, người dân và tích lũy kiến thức, kỹ thuật nên năng suất cà phê của gia đình đạt cao từ 5-6 tấn/ha.

Ông Thiều chia sẻ: Sau khi đi tìm hiểu ở nhiều nơi, gia đình tôi chọn Nhân Cơ để lập nghiệp vì đất đai rộng, dân cư còn ít, nên xác định đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế. Năm 1994, cây cà phê có giá và đây thực sự là cơ hội để đưa kinh tế gia đình tôi vươn lên. Mặc dù giá cả có lúc lên, lúc xuống, nhưng cà phê luôn là cây trồng “mũi nhọn”, nên tôi tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Những cây năng suất kém thì tôi thay thế dần bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Sau khi trồng cà phê và có chút vốn liếng, vợ chồng tôi mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng và cách đây 4 năm thành lập thêm Công ty TNHH Nguyên Khôi chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, vận tải hàng hóa. Quá trình kinh doanh cũng có lúc khó khăn, nhưng gia đình tôi luôn đồng lòng, tìm hướng tháo gỡ, nắm bắt những cơ hội để phát triển, đưa doanh nghiệp ngày càng đi lên.

Hiện tại, gia đình ông Thiều chỉ còn 2 ha cà phê do một phần đất đã được thu hồi để làm nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, nhờ mở thêm doanh nghiệp, nên hàng năm, trừ chi phí, thu nhập của gia đình ông cũng từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Những năm qua, gia đình ông Thiều còn tạo việc làm thường xuyên cho  8-10 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ khi bước vào thu hoạch, chế biến cà phê.

Hiện tại, thương binh Võ Văn Thiều đang sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh xã Nhân Cơ, rất tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và năm 2016 vinh dự đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thương binh, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO