Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý ATTP

Lê Phước| 11/04/2017 09:49

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, nhiều địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, quyết liệt trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP.

ADQuảng cáo

Trang trại nuôi heo ở xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)

Những kết quả ban đầu

Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã triển khai Thông tư số 45/TT-BNNPTNT, ngày 3/12/2014 của Bộ Nông nghiệp-PTNT về việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản đủ điều kiện ATTP trên địa bàn.

Toàn tỉnh có 384 cơ sở sản xuất được cơ quan chức năng kiểm tra, xếp loại về chất lượng; thanh, kiểm tra 165 cửa hàng, công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và 32 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung. Công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cũng được thực hiện khá tích cực. Mặc dù mới chỉ triển khai ở cấp tỉnh nhưng hiện đã có 225 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), thời gian gần đây, ý thức về sản xuất thực phẩm an toàn của tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng các cơ sở đăng ký hỗ trợ thực hiện các mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) liên tục tăng. Trong đó, nhiều mô hình có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư chuyên sâu nhằm đưa được sản phẩm có chất lượng, bảo đảm ATTP cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

ADQuảng cáo

Các địa phương cần quan tâm hơn

Theo ông Nguyễn Cầu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, mặc dù đã được phân công cụ thể nhưng trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện việc quản lý ATTP ở tuyến huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ có huyện Đắk R’lấp thành lập được 2 đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh ATTP và kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP đối với các cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương. Các huyện, thị xã còn lại vẫn triển khai thiếu đồng bộ, chưa thống kê được hết các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc đối tượng cam kết cũng như phân bổ được nguồn kinh phí để phục vụ công tác quản lý, giám sát sau khi ký cam kết.

Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 5/8 huyện, thị xã xây dựng được kế hoạch tổ chức ký cam kết điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, nhưng trong số này, chỉ có 2 địa phương tổ chức triển khai cho 216 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn mình quản lý. Kết quả quá “khiêm tốn” này cho thấy nhiều địa phương còn chưa thực sự quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm của mình theo phân cấp quản lý nhà nước về ATTP.

Nguyên nhân chủ yếu  theo Sở Nông nghiệp-PTNT là do các huyện, thị xã chưa bố trí được kinh phí để tổ chức các đợt thanh kiểm tra. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý ATTP ở các tuyến đều thiếu hoặc yếu.  Ở cấp huyện, xã thì những người thực hiện công tác này chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Quá trình nắm bắt, cập nhật thông tin thiếu kịp thời đã gây ra nhiều khó khăn cho cán bộ cấp cơ sở trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn.

Để làm tốt hơn công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT thì đơn vị sẽ đề xuất UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn kinh phí tổ chức, đầu tư trang thiết bị để ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng ATTP. Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực triển khai tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại tuyến cơ sở để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo đảm chất lượng ATTP nông lâm thủy sản, đáp ứng công việc thực tế hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý ATTP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO