Nhiều hội viên cựu thanh niên xung phong hoàn cảnh còn khó khăn lắm!

Hoàng Thanh| 01/06/2020 09:18

Sau những năm tháng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, nhiều TNXP đang sinh sống trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.

ADQuảng cáo

Cống hiến cả tuổi thanh xuân

Năm nay đã 82 tuổi, song ông Hoàng Kim Luân (SN 1938) ở thôn Cao Lạng, xã Ea Pô (Cư Jút) vẫn nhớ như in quãng thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Ông Luân vốn quê ở huyện Hòa An (Cao Bằng), năm 1958, khi vừa tròn 20 tuổi đã xung phong tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong tại địa phương, thuộc đơn vị H100. Thời gian đó, sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đơn vị ông phải làm rất nhiều việc cần tới sức người, nhất là làm đường, sửa cầu cống, làm nhà...

Ngôi nhà ông Hoàng Kim Luân ở thôn Cao Lạng, xã Ea Pô (Cư Jút) chỉ là một căn lều chừng hơn 10 m2

Theo ông Luân, thời gian đó do miền Bắc hậu phương phải chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt, nên bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông và đồng đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không kể nắng mưa, đêm ngày làm hàng trăm km đường, nhất là quốc lộ 4. Trong thời gian tham gia thanh niên xung phong ông đã bén duyên với một nữ thanh niên xung phong ở cùng quê và đến năm 1967 hai người mới tổ chức đám cưới.

Đến năm 1991, khi các con đã trưởng thành, ông bà đã cùng các con vào Đắk Nông lập nghiệp. Tại quê hương mới, ông bà chí thú làm ăn, nuôi các con khôn lớn. Tuy nhiên, do con đông, đất đai cằn cỗi, lại không nhiều, nên cuộc sống vẫn rất khó khăn, đến nay, ông bà vẫn không cất nổi một ngôi nhà đàng hoàng để ở.

Còn bà Lâm Thị Bằng (SN 1944) ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô)  tham gia lực lượng thanh niên xung phong từ năm 1965 ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Khi đó, đơn vị bà thường xuyên đi lấp hố bom, chữa cháy. Trong thời gian từ 1965 đến 1968, nhiều đồng đội của bà đã hy sinh ngay trong lúc làm nhiệm vụ. Đến năm 1969, bà được xuất ngũ về công tác tại nông trường Hữu Lũng (Lạng Sơn) chuyên trồng dứa, phục vụ chế biến hoa quả. Đến năm 1985, do sức khỏe yếu, bà được nghỉ mất sức.

ADQuảng cáo

Năm 1996, ông bà đã đưa các con vào vùng đất Buôn Choáh lập nghiệp. Tuy nhiên, do không có vốn liếng nên gia đình chủ yếu đi làm thuê nên cuộc sống vô cùng chật vật. Năm 2015, dành dụm được ít tiền định sửa nhà thì ông bị ốm nặng rồi mất, tiền bạc cũng không còn. Vì vậy đến nay, ngôi nhà làm hơn 20 năm đã dột nát, xập xệ nhưng vẫn chưa có tiền sửa chữa.

Về hoàn cảnh gia đình, bà Bằng tâm sự: “Năm 17 tuổi tôi đã lấy chồng, cưới xong là ông vào Nam chiến đấu. Đến năm 1971 ông bị thương nên được xuất ngũ. Vợ chồng tôi có 4 người con, do sức khỏe yếu, nên hiện gia đình vẫn rất khó khăn”.

Căn nhà của bà Lâm Thị Bằng ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã bị mục nát

Cần lắm những tấm lòng

Theo ông Lê Đình Nhung, Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Đắk Nông, 2 trường hợp trên nằm trong số nhiều thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là về nhà ở. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.394 hội viên cựu Thanh niên xung phong, trong đó có 811 hội viên nữ. Những năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ hội viên như duy trì các chi hội tại cơ sở để sinh hoạt và quan tâm lẫn nhau những lúc ốm đau, hiếu hỷ. Đặc biệt, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh đã giúp các hội viên hoàn tất thủ tục theo Quyết định 40 của Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong, nhận tiền 1 lần, với 3,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, nhiều hội viên cũng được tư vấn để làm lại chế độ hưu trí, mất sức…

Từ năm 2011, khi được thành lập đến nay, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây được 19 căn nhà và sửa chữa 5 căn cho hội viên trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 30 hội viên rất khó khăn về nhà ở. Vì vậy, Hội đã và đang tiến hành rà soát lại những trường hợp khó khăn nhất để tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ xây nhà.

Ông Lê Đình Nhung cho biết thêm: "Trong số các hội viên nữ nhiều hội viên không có chồng con, hoàn cảnh khó khăn lắm. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương quan tấm, nhất là những ngày lễ tết. Hầu hết các hội viên tuổi đã cao nên chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để xây dựng cho họ những căn nhà đàng hoàng hơn".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hội viên cựu thanh niên xung phong hoàn cảnh còn khó khăn lắm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO