Nhiều tuyến tỉnh lộ xuống cấp trầm trọng

Phan Tuấn| 25/07/2017 10:15

Do quá niên hạn sử dụng, nên hầu hết các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuống cấp trầm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu vận tải. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa lại gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí...

ADQuảng cáo

Cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa tỉnh lộ 1, đoạn đi qua xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Tuyến nào cũng... nát

Theo Sở Giao thông - Vận tải, hiện nay các tuyến tỉnh lộ 1, 2, 3, 5, 6 và 4B đều đã quá niên hạn sử dụng và đang ở vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử như tỉnh lộ 4B, với tổng chiều dài 26 km (chạy qua các huyện Krông Nô và Đắk Glong) nay  đã "trở về" với thời kỳ... đường đất.

Tuyến đường này được đầu tư xây dựng vào năm 2006, với quy mô đường cấp V miền núi, mặt đường rộng 6,5m, láng nhựa. Thế nhưng, hiện nay, trên suốt tuyến đã tồn tại rất nhiều vết rạn nứt, “ổ gà”, “ổ trâu”. Nhiều đoạn, rãnh thoát nước cũng bị bồi lấp, gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông. Cho dù hằng năm, tuyến đường này đều được duy tu, bảo dưỡng, nhưng do đã quá niên hạn sử dụng nên chỉ qua một mùa mưa thì tình trạng xuống cấp lại vẫn như cũ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỉnh lộ 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh và góp phần giảm tải cho quốc lộ 14. Tỉnh lộ 2 có chiều dài 24 km, quy mô đường cấp V miền núi, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m. Tuyến đường này được đầu tư xây dựng từ năm 2003 và hiện nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn mặt đường đã bị bong tróc nên có vô số “ổ trâu”, “ổ voi”. Thậm chí, vào mùa mưa có những đoạn đã trở thành những ao nước ngập sâu, gây rất nhiều khó khăn cho người, phương tiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

ADQuảng cáo

Đối với các tuyến tỉnh lộ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Hầu hết các tuyến đều đã hiện rõ việc xuống cấp, nhiều chỗ mặt đường bị sụt lún nặng nề. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo trì tỉnh Đắk Nông (Sở Giao thông – Vận tải), đánh giá: “Tất cả các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh được xây dựng trên 13 năm và đều đã quá niên hạn sử dụng. Chính vì vậy, việc các tuyến đường này hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cũng là điều đương nhiên”.

Kinh phí sửa chữa eo hẹp

Theo tính toán của cơ quan chức năng, để khắc phục tình trạng xuống cấp trên các tuyến tỉnh lộ cần phải có nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí hàng năm do tỉnh, Trung ương bố trí để bảo trì các tuyến tỉnh lộ lại khá eo hẹp. Chỉ riêng như tuyến tỉnh lộ 1, có tổng chiều dài 36 km, nay đã hư hỏng trầm trọng và cũng cần kinh phí rất lớn để bảo trì.

Hiện nay, ngoài 2 km đã được đầu tư theo tiêu chuẩn đường đô thị và 6km được đưa vào dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông (dự kiến khởi công trong năm 2017), việc đầu tư sửa chữa tuyến tỉnh lộ 1 cần số vốn lên đến 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng năm tuyến đường này chỉ được bố trí từ 2 - 4 tỷ đồng, chỉ đủ để khắc phục những chỗ bị hư hỏng nghiêm trọng, phát dọn hành lang, vá ổ gà...

Tượng tự, đối với tuyến tỉnh lộ 2, để sửa chữa, tăng cường móng, mặt đường và hệ thống thoát nước, cũng cần nguồn vốn khoảng 120 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay tuyến đường chỉ được bố trí khoảng 2 tỷ đồng để sửa chữa tạm thời. Để khắc phục tình trạng mặt đường rạn nứt, “ổ gà”, “ổ voi” trên toàn tuyến tỉnh lộ 4B thì cũng cần nguồn kinh phí lên đến 30 tỷ đồng...

Theo ông Bùi Văn Đoàn, từ nhiều năm nay, nguồn vốn phục vụ công tác quản lý, duy tu cho các tuyến tỉnh lộ rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cũng do thiếu kinh phí, nên việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường thường chỉ là chắp vá, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Năm 2017, với số tiền khoảng 14 tỷ đồng được phân bổ cho việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tỉnh lộ, tính bình quân, mỗi tuyến chỉ được tầm hơn 2 tỷ đồng và không thể nào đáp ứng được nhu cầu thực tế.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tuyến tỉnh lộ xuống cấp trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO