Nhọc nhằn lính cứu hỏa

Phạm Khánh| 30/03/2018 10:47

Có dịp chứng kiến những người lính cứu hỏa tham gia chữa cháy tại một đám cháy trên địa bàn phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn của họ.

ADQuảng cáo

Khi ngọn lửa vừa bùng phát được ít phút đã có tiếng còi của 3 chiếc xe cứu hỏa cùng 20 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh đã có mặt. Họ lập tức kiểm tra lưới điện, phương tiện, công cụ, máy móc. Sau đó, các chiến sĩ thao tác nhanh chóng để phun nước dập lửa. Mỗi một thao tác như lắp ống dẫn, mở khóa van đường nước, vận hành xe... đều được tính bằng giây đồng hồ.

Lính cứu hỏa vượt chướng ngại vật để tiếp cận điểm cháy

Công đoạn phun nước dập lửa, mỗi vòi rồng với tốc độ 3.000 lít nước/1 phút phải có tới 2 đến 3 chiến sĩ gồng mình, tập trung cao độ để giữ vững và điều khiển đúng điểm lửa đang bùng phát. Phía đầu xe tiếp nước, 3 chiến sĩ tích cực vận hành máy, điều khiển xe tiếp để bảo đảm tốc độ, đáp ứng đúng lưu lượng nước theo yêu cầu cấp bách của công việc.

Nguy hiểm nhất, những chiến sĩ xông vào đám cháy để cứu tài sản, kịp thời tháo gỡ các vật dụng có thể gây nổ. Trong màn khói ngùn ngụt, hơi nóng, bụi bặm và mùi khói khét lẹt, khó chịu của các vật liệu như gỗ, nhựa, sơn, dầu... các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vẫn miệt mài, kiên trì hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi ngọn lửa đã được khống chế, các anh lại cẩn thận, tỉ mỉ tìm tòi những tài sản còn sót lại cho chủ nhà và điều tra dấu vết, nguyên nhân của đám cháy.

Lực lượng cứu hỏa tích cực chữa cháy tại cơ sở karaoke trên địa bàn phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa).

ADQuảng cáo

Đại úy Nguyễn Quang Trung, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, cho biết: Mỗi người lính khi làm nhiệm vụ chữa cháy trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao, không khí ngột ngạt, mùi hóa chất nồng nặc luôn đòi hỏi tính kiên nhẫn, sức chịu đựng bền bỉ. Quá trình cứu chữa, người lính luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, như các công trình, tường rào, nhà cao tầng bị nhiệt tác động, rất dễ sụp đổ, dẫn đến tai nạn. Nguy hiểm nhất, có những cơ sở kinh doanh, nhà dân sử dụng bình ga, buôn bán cồn, các loại khí hóa lỏng dễ gây nổ, dẫn đến thương vong. Bên cạnh đó, có những lúc gió lớn làm bay vật liệu như tôn, bộ khung của nhà đổ, gãy bất cứ lúc nào, gây tai nạn cho lính cứu hỏa.

Qua tìm hiểu, dung tích của mỗi xe cứu hỏa được thiết kế 2.000 - 3.000 lít nước, với lưu lượng bơm như kể trên, liên tục thì chỉ kéo dài được khoảng 3 phút. Trong khi đó, xe tiếp nước có dung tích 5.000 lít nước. Do vậy, đối với những điểm bị hỏa hoạn ở xa nguồn nước, đường sá đi lại khó khăn thì việc tiếp nước thường bị gián đoạn, không kịp thời. Điều này không chỉ dẫn đến sự khó chịu, bức xúc cho những người dân gặp hỏa hoạn mà gây áp lực rất lớn đối với lình cứu hỏa.

Giúp người dân thu dọn vật dụng sau khi cháy

Theo Đại tá Trần Văn Thùy, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, việc xảy ra hỏa hoạn là không biết trước. Do đó, tinh thần của tất cả chiến sĩ PCCC phải luôn chủ động. Bất kể những lúc đang yên giấc ngủ, đang ăn, nếu nhận được tin báo của người dân, là chiến sĩ PCCC phải tức tốc lên đường làm nhiệm vụ.

Hiện tại, Phòng Cảnh sát PCCC có 6 xe chữa cháy, 2 xe tiếp nước, trong đó 2 xe chữa cháy và 1 xe tiếp nước được bố trí tại các huyện Chư Jút và Đắk Mil. Trong 3 tháng đầu năm, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ đã tham gia cứu chữa 9 vụ hỏa hoạn, giảm thiệt hại cho người dân khoảng 3 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn lính cứu hỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO