Những mảnh đời mưu sinh nơi bãi rác

Mỹ Hằng| 26/04/2017 10:15

Đến bãi rác tập trung ở bon Đắk Blao, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'lấp) vào một ngày trong tuần, chúng tôi có dịp chứng kiến cả “núi rác” khổng lồ, với đủ loại rác thải và xử lý rất sơ sài, ruồi nhặng bu đen kịt, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Vậy mà tại bãi rác hết sức bẩn thỉu đó vẫn có nhiều phụ nữ đang dùng tay lục tung, bới móc từng bao rác để tìm phế liệu. Những bao rác được lật tung, xổ ra chảy nước đen sì.

ADQuảng cáo

Theo quan sát, đồ bảo hộ của họ chỉ là những đôi bao tay mỏng dính, chân mang đôi dép xốp. Vật dụng “hành nghề” chủ yếu là những cái bao tải to, một que móc sắt và cuốc. Sau khi xổ các bao rác ra, họ bới móc, nhặt nhạnh các túi ni lông, chai nhựa, lông vịt, mẩu giấy vụn… Đây là những thứ vứt đi nhưng đối với họ đó lại là những “chiến lợi phẩm” có giá trị.

Dù ẩn chứa nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhưng vì mưu sinh, nhiều phụ nữ hàng ngày vẫn đi nhặt rác kiếm sống

Sau khi nhặt, các loại phế liệu ở đây được phân loại thành từng bao và mang về tập kết tại cái lán cách đó không xa. Đối với các loại rác như sắt, nhôm, vỏ lon bia, chai nhựa… thì họ mang bán cho các vựa thu mua phế liệu ngay trong ngày. Riêng bao ni lông các loại thì tập kết lại một chỗ, 15 ngày sau chở đi bán. Trung bình mỗi ngày, mỗi người thu nhập khoảng 200.000 đồng từ việc nhặt rác.

Chị N.T.L ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cho biết: “Tôi làm nghề này được hơn 10 năm, lúc đầu cũng chịu không nổi vì mùi nặng quá nhưng sau cũng quen dần. Ai cũng muốn có công việc ổn định, nhàn nhã nhưng mình không nghề nghiệp nên đành chịu. Nghề này vất vả, dễ mắc bệnh, nhưng được cái là mình không phụ thuộc ai, quanh năm suốt tháng chẳng sợ “thất nghiệp””.

Còn chị N.T.Q cũng cho hay: “Đã xác định làm nghề này và vào đây thì xem như mình “không có mũi”. Làm nghề này vất vả lắm, đa phần những người vào đây lượm rác đều mặc cảm, nên lúc nào cũng bịt kín mấy lớp khẩu trang. Ngoài việc tránh mùi hôi thối thì mục đích chính của chúng tôi là tránh gặp người quen. Nghề nào nghiệp đó, đi nhặt riết rồi cũng quen”.

ADQuảng cáo

Qua tìm hiểu được biết, bãi rác tập trung ở bon Đắk Blao được xây dựng từ năm 2008, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 4 tấn rác thải từ khắp nơi được tập kết về đây. Từ khi bãi rác đi vào hoạt động, hàng ngày có khá nhiều người từ xa đến nhặt rác để mưu sinh.

Nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập, nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên những người phụ nữ nhặt rác nơi đây chỉ biết nhắm mắt chấp nhận tất cả, chỉ mong kiếm tiền nuôi con ăn học để sau này chúng có cuộc sống sáng lạn hơn.

Khi được hỏi những rủi ro trong nghề, chị N.T.Q cho biết: “Nhiều hôm bới rác bị mảnh sành cứa rách chân, nhưng vẫn phải cố gắng hôm sau đi làm, ngày nào không đi nhặt rác được là ngày đó không có tiền mua gạo”.

Chị L.T.H có “thâm niên” hơn chục năm làm nghề nhặt rác kể, trước đây, khi còn ở dưới An Giang, chị cũng đi nhặt rác để bán. Sau khi lên Đắk Nông lập nghiệp, do không có nghề nghiệp, vốn liếng nên quanh năm suốt tháng chỉ đi làm thuê. Thấy rác ở đây nhiều nên chị đi nhặt về bán. Hầu hết những người nhặt rác ở đây đều có cuộc sống rất khổ.

Chị L.T.H cho biết: “Làm nghề nhặt rác sợ nhất là đến bệnh viện khám. Có ốm đau gì thì bản thân cũng tự chữa, tự quên thôi, chứ đến bệnh viện rồi thì biết bao nhiêu bệnh cho kể, về rồi lại thêm lo. Thôi thì cứ vô tư mà sống được khi nào hay khi đó. Bây giờ cứ cố gắng làm kiếm tiền nuôi các con ăn học, để sau này chúng có cuộc sống tươi sáng hơn”.

Khi hỏi về ước mơ của mình, các chị đều đồng thanh bảo: “Chỉ mong bãi rác nhiều rác hơn để có thu nhập nhiều hơn, chứ bữa nay người đi nhặt rác ngày càng nhiều. Nhờ rác mà các con chúng tôi được ăn học nên chỉ mong nhiều rác hơn mà thôi”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mảnh đời mưu sinh nơi bãi rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO