Những thương binh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Văn Tâm| 13/07/2017 15:26

Trở về từ chiến trường với những nỗi đau thể xác do thương tật chiến tranh để lại nhưng nhiều thương, bệnh binh vẫn vượt lên chính mình, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp công sức cùng toàn dân xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Đường giao thông nông thôn ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), ngoài hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, của người dân còn có sự đóng góp tích cực của các cựu chiến binh.

Thương binh Trần Minh Triệu, ở thôn 10, xã Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) rời chiến trường trở về với thương tật 21% (thương binh 4/4). Tuy nhiên, không lùi bước trước những khó khăn trong cuộc sống thời bình, ông đã gây dựng cơ ngơi trang trại với mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), hàng năm cho thu nhập gần 2,9 tỷ đồng.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Triệu cho biết nhận thấy đất đai tại địa phương màu mỡ, tiện lợi cho phát triển nông nghiệp nên ông đã dành dụm tiền mua 3 ha đất. Có đất, gia đình tập trung "lấy ngắn nuôi dài" trồng cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày. Cứ thế, tích lũy dần rồi mở rộng quy mô, số lượng cây, con. Đến nay, gia đình ông Triệu đã mua được 28 ha đất để làm trang trại VAC khép kín. Trong đó, ông bố trí 10 ha đất để trồng cây cà phê, hàng năm cho thu hoạch từ 30 – 40 tấn, tương đương với số tiền trên dưới 1,2 tỷ đồng. Số diện tích còn lại ông sử dùng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cây ăn quả… và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, ao hồ để chăn nuôi heo, cá.

ADQuảng cáo

Khi đã vững về kinh tế, ông Triệu bắt đầu thực hiện ước mơ được giúp đỡ bà con, nhất là những người đã từng “vào sinh, ra tử” qua các cuộc chiến tranh như ông. Đến nay, ông Triệu đã cho 15 người vay vốn không tính lãi để xóa đói, giảm nghèo với số tiền 106 triệu đồng; bán đất thiếu không lấy lãi cho 3 hộ với diện tích 5 ha; cho 2 người vay 50 triệu để mua 2 ha đất sản xuất… Ngoài ra, hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, ông Triệu đã đóng trên 36 triệu đồng để làm hội trường thôn, làm nền nhà mẫu giáo, làm đường bê tông của thôn 10. Ông còn bỏ tiền nhà để kéo điện 3 pha cho 30 hộ dân cùng sử dụng…

Theo ông Chu Văn Sùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông thì trong những năm qua, phong trào thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi đã không ngừng phát triển về số lượng và đi vào chiều sâu. Với ý chí, nghị lực và niềm tin, các cựu chiến binh một lần nữa chiến thắng đói nghèo, vươn lên trở thành những người làm chủ của những trang trại, cửa hàng, từng bước làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi đã vững về kinh tế, họ cũng là những người gương mẫu, đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Điển hình như thương binh Đỗ Minh Tự, ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã hỗ trợ cho 10 hộ, mỗi hộ 10 triệu đồng để có vốn sản xuất và tự bỏ tiền mua tôn lợp nhà cho 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa nhà ở. Thương binh Trần Văn Thoàn, ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) hiến 150 m2 đất mở rộng ngã tư đường trục xã để hạn chế tai nạn giao thông. Ngoài ra, ông Thoàn cùng hội viên còn quyên góp 100 triệu đồng làm đường giao thông nội đồng. Hay thương binh Phạm Cường, ở Nâm N’Jang (Đắk Song), Trần Văn Tiến ở xã Nam Dong (Chư Jút), Trần Văn Tuyển ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)… luôn đi đầu, gương mẫu trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình sinh sống.

Trang trại cà phê trên 40 ha của cựu chiến binh Nguyễn Văn Liêm ở xã Trường Xuân (Đắk Song) được đầu tư căn bản cho năng suất từ 4,5 - 5 tấn/ha.

Cũng theo ông Sùng, để thúc đẩy phong trào ở các cấp hội đi vào chiều sâu, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với các cấp, ngành, địa phương về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó, Hội Cựu chiến binh các cấp tập trung tham gia vào tiêu chí thứ 2, tiêu chí thứ 9, tiêu chí 11, tiêu chí 12 và 18, 19. Tính từ đầu năm đến nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã vận động hội viên tham gia quỹ “Nghĩa tình đồng đội” triển khai xây dựng được 3 căn nhà cho hội viên nghèo, trị giá mỗi căn là 60 triệu đồng. Đơn vị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây 4 căn nhà Đại đoàn kết và cùng với các tổ chức chính trị xã hội khác xóa được 8 căn nhà dột nát, tạm bợ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thương binh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO