Niềm vui, nỗi buồn sau những bài viết

Nguyễn Hiền| 20/06/2020 09:32

Trong quá trình tác nghiệp báo chí, bên cạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình, chúng tôi cũng có những bài viết phản ánh những mặt chưa được của ngành này, địa phương nọ nhằm góp một tiếng nói xây dựng ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, kỷ niệm với nghề, cũng có những nỗi niềm sau bài viết.

ADQuảng cáo

Vui khi bài viết có tác động

Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất ấn tượng với một nữ lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu. Ấn tượng là bởi những bài viết phản ánh, ghi nhận ở cơ sở luôn được cô để ý, quan tâm đến. Sau những bài viết đó, cô luôn chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra, giám sát, xác định vấn đề để khắc phục bất cập mà báo chí đã đưa.

Một ví dụ điển hình là khi tôi viết bài phản ánh về một bon ở huyện Krông Nô được đầu tư đến 3 nhà văn hóa cộng đồng, nằm cách nhau chỉ mấy trăm mét. Nhu cầu sử dụng không hết nên 2 nhà văn hóa cộng đồng đành bỏ không. Trong khi đó, nhiều thôn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có hội trường thôn...Nắm bắt được thông tin, vị nữ lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu kiểm tra, phát hiện ra nguyên nhân của sự bất hợp lý trên.

Sau đó, 1 nhà văn hóa cộng đồng được chọn làm nơi cho bà con sinh hoạt cộng đồng, còn 2 nhà văn hóa kia được sửa sang lại làm điểm trường cho trẻ mầm non. Đáng mừng hơn là một cuộc kiểm tra, giám sát về hiệu quả sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng trong toàn tỉnh được triển khai do chính vị nữ lãnh đạo này dẫn đầu. Và nhiều văn bản được ban hành, yêu cầu các địa phương xây dựng hợp lý, khắc phục hạn chế nhằm phát huy hiệu quả của các công trình đã được đầu tư, tránh gây lãng phí.

Sau những bài viết, lắm lúc bản thân tác giả cũng đọng lại bao nỗi buồn vui (Trong ảnh: Phóng viên Báo Đắk Nông tác nghiệp tại cơ sở)

Bản thân phóng viên như tôi cảm thấy rất vui vì bài viết của mình trở nên có ích hơn. Điều làm tôi lưu nhớ hơn về vị nữ lãnh đạo ấy là ở cách nhìn nhận. Bởi cô luôn xem báo chí là một “kênh” thông tin để mình nắm bắt vấn đề cơ sở, có những hình thức giám sát, xử lý kịp thời ở lĩnh vực mình phụ trách.

ADQuảng cáo

Tôi cũng không ít lần cảm kích khi vị nữ lãnh đạo ấy đã gặp trực tiếp và nói lời động viên, cảm ơn vì những bài viết phản ánh của mình để khắc phục kịp thời. Chẳng hạnh phúc nào hơn trong nghề khi bài viết của mình góp được thêm tiếng nói để cùng xây dựng, khắc phục những bất cập trong thực tiễn.

Bị “bo xì” vì viết phản ánh

Bênh cạnh những bài viết được xem là “kênh” thông tin như vậy, tôi cũng có những bài viết lưu đọng nhiều nỗi niềm. Điển hình như một lần tôi viết một bài 3 kỳ liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Đây là vấn đề tôi nắm khá chắc vì theo sát từ những ngày đầu sở này triển khai thực hiện và sau một thời gian bắt đầu bộc lộ những bất cập.

Điều đáng nói, những bất cập ấy không được khắc phục mà chương trình này lại càng được nhân rộng trên tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Những “lỗ hổng” của chương trình bắt đầu bộc lộ rõ hơn, gây bức xúc trong dư luận. Bài viết của tôi cũng đánh giá khá toàn diện những mặt đã đạt được, những hạn chế, bất cập và cả những giải pháp, đề xuất...

Tuy nhiên, sau khi báo đăng tải, vị lãnh đạo sở trực tiếp triển khai chương trình ấy đã “bo xì” tôi. Ban đầu tôi cũng rất buồn, bất ngờ với cách hành xử ấy. Báo này đã được sự quan tâm sâu sát hơn của các cấp, ngành liên quan và đã khắc phục, tránh được những ảnh hưởng xấu nhất.

Tương tự, một số bài viết phản ánh khác của tôi cũng nhận không ít những nỗi niềm. Có vị lãnh đạo sau khi đọc bài viết cũng trách móc, thậm chí có người còn “dằn mặt”…

Qua những bài viết của mình, tôi dần hiểu rằng, phản ánh những bất cập phải luôn là trách nhiệm của người làm báo. Đặc biệt, quan trọng hơn, qua những lần bị "bo xì, dằn mặt" như vậy, bản thân mình phải luôn vững vàng, bản lĩnh hơn khi tác nghiệp, thực hiện chức năng của nghề báo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui, nỗi buồn sau những bài viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO