Nỗ lực để cơ bản chấm dứt tình trạng dân di cư tự do vào năm 2025

Bài, ảnh: Lê Phước| 25/12/2018 10:46

Việc Chính phủ đưa ra những quyết sách và ưu tiên nguồn lực để giải quyết vấn đề dân di cư tự do (DCTD) không chỉ là cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng dần giải quyết được vấn đề nan giải kéo dài trong thời gian qua.

ADQuảng cáo

Di cư nhiều, áp lực lớn

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - PTNT, từ năm 2005 - 2017, cả nước có 66.738 hộ DCTD, tập trung vào 3 khu vực: Tây Nguyên (55.846 hộ), Tây Bắc (5.811 hộ) và Tây Nam bộ (2.081 hộ). Đến hết năm 2017, có 42.237 hộ (chiếm 63,3%) đã được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch hoặc tự ổn định. Hiện vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp ổn định và tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên (hơn 22.000 hộ).

Nhiều hộ dân DCTD ở bản Sình Cọ, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) làm nhà cửa rải rác và canh tác trên diện tích đất lâm nghiệp

Việc người dân DCTD đến tỉnh với số lượng lớn đã xảy ra nhiều áp lực, vượt qua khả năng giải quyết của địa phương. Bởi vì, người dân DCTD đến Đắk Nông chủ yếu sinh sống phân tán, rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, không có đường giao thông đi lại dẫn đến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai và quản lý dân cư.

Vượt quá sức của địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng DCTD diễn biến phức tạp là do nhiều năm trước đây, việc quản lý dân cư, quản lý đất đai và quản lý đất rừng của các cấp chính quyền (nhất là cấp huyện, xã) và các đơn vị chủ rừng quá yếu kém. Do không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời và dứt điểm từ đầu nên người dân DCTD đến các vùng sinh sống nhiều năm, tạo thành điểm dân cư lớn, tập trung làm nhà ở và canh tác ổn định.

Áp lực dân DCTD đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mà các địa phương cần phải giải quyết như: Y tế, giáo dục, an ninh trật tự, văn hóa - xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Nhu cầu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…) để ổn định dân DCTD là rất lớn trong khi Đắk Nông là một tỉnh nghèo, ngân sách địa phương còn khó khăn đã gây ra những vấn đề vô cùng khó khăn cho tỉnh.

Từ năm 2005 tới nay, tỉnh Đắk Nông đã triển khai 16 dự án đầu tư, mục tiêu sắp xếp cho 10.865 hộ dân với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.285 tỷ đồng, còn lại là Ngân sách địa phương). Tuy nhiên, ngân sách Trung ương mới bố trí được gần 477 tỷ đồng (đạt 31,17%). Hiện có 4/16 dự án đã hoàn thành và 12/16 dự án đã được phê duyệt nhưng đầu tư dở dang. Có 3.741 hộ với 11.692 nhân khẩu đã được sắp xếp vào các dự án tập trung, xen ghép và có 7.124 hộ chưa được sắp xếp trong các dự án trên.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Trương Thanh Tùng, để giải quyết vấn đề dân DCTD tại địa phương, giải pháp cần thiết và cấp bách hiện tại là sớm ổn định cuộc sống, đất canh tác, đăng ký hộ khẩu và quản lý dân cư theo quy định. Do đó, ngoài việc kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí sớm hoàn thành 12 dự án đang dở dang để sắp xếp cho 7.124 hộ dân, UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ lập thêm một số dự án tập trung, xen ghép để bố trí, sắp xếp dứt điểm 4.387 hộ DCTD còn lại đang sống ngoài vùng dự án.

Đời sống của DCTD ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) hết sức khó khăn và nhiều con em chưa giấy khai sinh

Chờ những quyết sách

Tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân DCTD trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại khu vực Tây Nguyên” được tổ chức tại Đắk Lắk ngày 9/12 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm có những giải pháp để giúp các địa phương giải quyết vấn đề dân DCTD. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp căn cơ để từng bước giải quyết vấn đề DCTD cho khu vực Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, DCTD là vấn đề mang tính chất phổ biến trên thế giới chứ không phải chỉ riêng ở nước ta. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước không khuyến khích DCTD mà ổn định dân tại chỗ. Giải pháp mang tính căn cơ để giải quyết vấn đề DCTD là cả “nơi đến” và “nơi đi” đều phải tăng cường công tác quản lý, phối hợp và quan tâm đến đời sống người dân. Đối với những “nơi đi”, chính quyền phải tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân để “giữ chân” họ. Khi đời sống được bảo đảm, người dân sẽ ở lại ổn định cuộc sống vì không ai muốn bỏ “quê cha đất tổ” mà đi cả. Còn đối với những hộ đã DCTD vào rồi, Trung ương và các tỉnh phải huy động các nguồn lực hợp pháp, tạo điều kiện để họ có nơi ở, đất sản xuất bảo đảm nhu cầu cuộc sống cơ bản. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta quan tâm đến dân DCTD nhưng cũng sẽ quan tâm, hỗ trợ đời sống của đồng bào các DTTS bản địa. Phải làm sao để đồng bào của chúng ta không phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, hộ dân nào cũng có đất sản xuất, có cơm ăn, áo mặc và “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng và các xung đột phát sinh”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về những giải pháp giải quyết vấn đề DCTD tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân DCTD trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại khu vực Tây Nguyên”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện và thông qua Nghị quyết về bố trí ổn định dân DCTD. Theo dự thảo Nghị quyết, trong giai đoạn 2019 - 2020, Chính phủ sẽ bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng Ngân sách Trung ương để ưu tiên thực hiện 32 dự án đang dở dang, kéo dài nhiều năm và bố trí khoảng 5.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án còn lại trong giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ dự kiến đến năm 2020 sẽ bố trí khoảng 16.891 ha đất sản xuất cho các hộ dân DCTD tại các tỉnh Tây Nguyên (dự kiến tại Kon Tum 2.146 ha, Gia Lai 2.841 ha, Đắk Lắk 5.906 ha, Đắk Nông 5.224 ha và Lâm Đồng 978 ha) từ quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ huy động nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng dự án bố trí dân DCTD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, liên kết phát triển vùng nguyên liệu… Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng DCTD trên địa bàn cả nước.

Đối với tỉnh Đắk Nông, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 157.376 hộ dân với 646.330 nhân khẩu. So với thời điểm thành lập tỉnh (1/1/2004), tổng số dân đã tăng gần gấp đôi. Trong số 38.191 hộ dân DCTD đến tỉnh, có 26.680 hộ dân đã ổn định đời sống và 11.511 hộ chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.

Trong số các hộ chưa được sắp xếp, hiện có 7.124 hộ nằm trong các dự án quy hoạch đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện; 4.387 hộ với gần 20.000 nhân khẩu còn lại chưa được bố trí và đang sống rải rác trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc các khu rừng sản xuất, rừng phòng hộ và cần phải bố trí, sắp xếp trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực để cơ bản chấm dứt tình trạng dân di cư tự do vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO