Nỗ lực thực hiện tốt pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Thanh Nga| 24/07/2018 09:56

Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong 5 năm qua, các ngành, các cấp, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đem lại nhiều niềm vui cho các gia đình chính sách.

ADQuảng cáo

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thăm hỏi đời sống bà Nguyễn Thị Mười-mẹ của liệt sĩ ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) nhân kỷ  niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ

Chăm lo người có công

Toàn tỉnh hiện có 3.530 người có công đang được hưởng chế độ, trong đó có 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 826 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 364 bệnh binh, 1.284 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp và con đẻ của họ, 859 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Ngoài ra, có 2.319 thân nhân người có công đang được hưởng trợ cấp, 759 người có công và thân nhân đang được hưởng ưu đãi về giáo dục đào tạo.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ, thống nhất cao, đúng quy định. Đặc biệt, thủ tục hành chính giải quyết các chế độ, chính sách từng bước được hoàn thiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, góp phần rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho người có công với cách mạng tiếp cận được chính sách ưu đãi một cách nhanh nhất.

Thương binh Phạm Tiến Sỹ ở tổ dân phố 4, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cho biết: “Thời gian qua, bản thân tôi luôn được hưởng đầy đủ các chính sách của một thương binh. Ngày 9 hàng tháng, tôi được cấp gần 1 triệu đồng và nhận tại bưu điện huyện. Việc nhận chế độ thuận lợi, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục phụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác ưu đãi người có công với cách mạng nhiệt tình, chu đáo. Ngoài ra, các dịp lễ, tết, ngày 27/7 hàng năm, chúng tôi đều được địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà nên cảm thấy vui vì được quan tâm sâu sắc”.

Thương binh Hà Xuân Tý ở thôn 4, xã Đắk Wil (Cư Jút) cũng cho biết: “Các cấp, các ngành luôn quan tâm chăm lo tốt cho người có công với cách mạng. Thời gian qua, bên cạnh các chính sách, chế độ trợ cấp đối với người có công thì thân nhân của họ cũng được chính quyền địa phương thực hiện rất tốt. Điển hình như gia đình  tôi, bên cạnh được tạo điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế, các con tôi cũng được hỗ trợ kinh phí trong học tập”..

ADQuảng cáo

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thăm thương binh Trần Đức An, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế

Tạo sự đồng thuận trong xã hội

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng, bổ sung chế độ ưu đãi. Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn. Mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận cụ thể.

Điều kiện xác nhận và chế độ ưu đãi được mở rộng hơn, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng, như: Trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần; điều chỉnh chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần; chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm và triển khai bằng nhiều hình thức. Trong đó, cấp tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị về hướng dẫn thực hiện các văn bản mới cũng như nói chuyện chuyên đề, tổng kết, kết hợp lồng ghép triển khai nhiệm vụ hàng năm. Các địa phương phổ biến, tuyên truyền đến từng thôn, buôn, bon để đông đảo nhân dân và người có công với cách mạng nắm rõ, từ đó tạo sự đồng thuận và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Thông qua đó, nhiều cá nhân, tập thể nêu cao nhận thức, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng.

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, là sự đãi ngộ đặc biệt, là trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận của xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thực hiện tốt pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO