“Nở rộ” thị trường hàng “fake”

Lương Nguyên| 07/07/2017 10:03

Thời gian gần đây, cụm từ hàng “fake - sản phẩm nhái các nhãn hiệu uy tín” trở thành câu cửa miệng của nhiều người khi đi mua sắm. Với quan niệm dùng hàng fake vừa rẻ, vừa được tiếng dùng “hàng hiệu”, rất nhiều khách hàng, nhất là nữ giới đang đón nhận những sản phẩm dạng này như một trào lưu, mà không hề biết rằng đây là hoạt động kinh doanh phi pháp.

ADQuảng cáo

Mặt hàng túi xách nhái các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán công khai và tràn lan

“Đất sống” màu mỡ

Hàng fake là từ mà giới kinh doanh dùng để chỉ những sản phẩm nhái các nhãn hiệu uy tín của các mặt hàng trên thế giới. Hiện nay, những mặt hàng này đang ngày càng xuất hiện phong phú, đa dạng trên thị trường. Dạo quanh các khu chợ, hay nhiều shop thời trang trên địa bàn Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk R’lấp…không khó để nhận ra những sản phẩm này. Bởi vì, chúng không hề được che đậy như những món hàng giả, hàng kém chất lượng khác. Ngược lại, “bộ sưu tập” này còn được các chủ shop quảng bá rất rầm rộ.

Trên thị trường hàng fake, túi xách là sản phẩm phong phú và được nhiều bạn trẻ ưa chuộng nhất. Khách hàng chỉ cần cầm trong tay từ 200 ngàn đồng đến 3 triệu đồng là có thể mua được một túi xách hàng fake ưng ý nhái các nhãn hiệu lớn như: Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Chanel, Hermes, Valentino.

Chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Là dân công sở, nguồn thu nhập chỉ bấy nhiêu thôi, nếu mua hàng đắt tiền quá thì “xót” lắm. Để hợp với túi tiền, cũng như bắt nhịp xu thế thời trang, tôi thường lựa chọn những túi xách hàng fake trên thị trường”.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai chỉ là một ví dụ nhỏ trong trào lưu mua hàng fake đang nở rộ. Những người này thừa nhận, họ mê mẩn mẫu mã, kiểu dáng của hàng hiệu, nhưng lại không có đủ tiền, hoặc "xót ruột" khi bỏ cả đống tiền đổi lấy một món hàng thật nên đành phải mua hàng giả y như thật.

Ngoài túi xách, các mặt hàng khác như: Nước hoa, kính mắt, khăn choàng… cũng được bày bán, kinh doanh rất rầm rộ. Không chỉ tại các shop thời trang, trong chợ, mà “bộ sưu tập” này còn được quảng cáo tràn lan trên mạng online. Hiện nay, chỉ cần mở trang facebook cá nhân ra là nhan nhản các tài khoản, trang mạng bán hàng fake online mời chào. Giá cả các mặt hàng rất cạnh tranh. Chủ tài khoản còn sẵn sàng “ship” (giao) hàng tận nơi mới nhận thanh toán.

ADQuảng cáo

Chị Lê Nguyễn Cẩm Tú, nhân viên một cơ quan đóng chân trên địa bàn Gia Nghĩa cho biết: “Thường xuyên phải giao lưu, gặp gỡ với đối tác nên tôi phải đầu tư khá nhiều cho vẻ bề ngoài. Để bảo đảm tính sang trọng, mà vẫn hợp túi tiền, tôi luôn tìm kiếm những địa chỉ bán hàng fake trên mạng để mua hàng. Chỉ cần vài ba triệu đồng, tôi đã có thể sở hữu cả cây “hàng hiệu” như giày dép, quần áo, túi xách, kính và cả mũ nón nữa”.

Khó quản lý

Có rất nhiều nguyên nhân khiến hàng fake thừa “đất sống” trên thị trường. Giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, hợp thời trang chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người dân lựa chọn loại hàng này. Hơn thế, nhiều người có tâm lý “sính” hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp. Theo lời của các chủ shop thời trang, hàng fake trên thị trường hiện nay chủ yếu được người bán quảng cáo có xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc).

Chị Đỗ Thị Minh, một chủ cửa hàng thời trang tại đường Trương Định (Gia Nghĩa) cho biết: “Bây giờ, một nhãn hiệu, một mặt hàng nhưng có nhiều loại giá khác nhau. Tùy vào mặt hàng đó được xếp vào fake 1 hay fake 2”.

Khi được hỏi về cách nhận biết các mặt hàng này, chị Minh chia sẻ thêm: “Úi dào, mình cũng không nhận biết được, nguồn hàng mình lấy có mối quan hệ lâu nay nên chỉ dựa vào uy tín thôi”.

Như vậy, nếu như người bán dựa vào “uy tín”, vậy người mua dựa vào cái gì để phân biệt những mặt hàng này?. Thực tế, khi đi mua sắm, người tiêu dùng thấy ưa nhìn, mẫu mã đẹp là bỏ tiền mua, chứ ít ai có thể nhận biết được hàng hóa có chất lượng ra sao. Chính điều này, vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người tiêu dùng.  

Một nghịch lý đặt ra, đa phần người tiêu dùng, nhất là giới trẻ cho rằng, hàng fake sản xuất nhiều, họ càng có nhiều cơ hội để lựa chọn. Ngược lại, đối với các ngành chức năng thì đang “đau đầu” vì tốc độ sản xuất và xuất hiện của các mặt hàng này. Sự bất cập trong cơ chế, thiếu cụ thể của chế tài hay khác nhau trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan thực thi chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng fake tung hoành hiên ngang trên thị trường. Từ đây, sự quản lý, phát hiện xử lý đối với những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Hàng fake còn được gọi là hàng "nhái". Những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng đều được nhái giống hệt đến 99% mà người dùng không thể nào nhận ra được, kể cả logo hay ngày sản xuất, thương hiệu in trên bao bì được làm cực kì tinh vi. Hàng fake nhưng được chia ra thành nhiều cấp khác nhau và thông thường hàng fake 2 kém chất lượng và có giá thành rẻ hơn hàng fake 1, hàng fake 2 thông thường chỉ nhìn qua là đã biết hàng nhái.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nở rộ” thị trường hàng “fake”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO