Nỗi lo tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng chiều cao

Vũ Trang| 10/04/2019 10:00

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị SDD chiều cao ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

ADQuảng cáo

Do đời sống khó khăn nên nhiều gia đình ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) chưa quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

Nuôi dưỡng chưa đúng cách

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hàng năm, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều tổ chức tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn mẫu cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Việc tư vấn, tuyên truyền cho các bà mẹ cũng được thực hiện lồng ghép trong các đợt cân, đo, uống vitamin A và tiêm phòng cho trẻ. Bên cạnh đó, nhân viên y tế thôn, bon cũng phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền về phòng, chống SDD cho trẻ em tại các buổi sinh hoạt thôn, bon.

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn còn e dè khi tiếp cận với các kiến thức mới về làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ... Ngoài ra, trở ngại lớn nhất trong công tác phòng, chống SDD cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn là do đời sống của phần lớn người dân còn khó khăn. Vì vậy, bữa ăn hàng ngày của các gia đình thường rất đạm bạc, dẫn đến việc trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ.

Không chỉ tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn mà ngay tại vùng thành thị, công tác chăm sóc sinh dưỡng cho trẻ cũng còn nhiều việc phải bàn. Mặc dù có điều kiện kinh tế khá giả nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) hàng ngày vẫn phải đau đầu suy nghĩ cách “bồi bổ” cho cậu con trai.

Chị Thu chia sẻ: “Mỗi buổi sáng, tôi phải ép cháu uống một ly sữa, ngũ cốc. Cứ khoảng 2 - 3 giờ lại uống thêm một ly, trưa tối đều nấu đầy đủ các món thịt, cá... cho cháu ăn. Thế nhưng, không hiểu sao dù đã 5 tuổi nhưng cháu chỉ cao 98 cm, thấp bé hơn nhiều bạn cùng lớp khác”. Ngược lại, chị Trần Thị Thúy An cũng ở phường Nghĩa Trung lại quan niệm rằng, chiều cao của trẻ là do di truyền, nên vợ chồng chị không quá coi trọng chuyện ép con ăn uống để tăng chiều cao hay cân nặng mà để con phát triển tự nhiên.

Theo các bác sĩ dinh dưỡng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng SDD chiều cao là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời của trẻ. Theo thống kê của ngành Y tế, khẩu phần của trẻ em Việt Nam chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D theo khuyến nghị. Bên cạnh đó, kiến thức dinh dưỡng cho trẻ cũng là một lỗ hổng lớn trong mỗi gia đình. Không ít bà mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nuôi con, dẫn đến những cách chăm sóc sai lầm, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý... Ngoài ra, trẻ SDD còn chịu ảnh hưởng từ hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu kém, nhiễm ký sinh trùng, dị tật bẩm sinh và phổ biến nhất là do cha mẹ chưa được trang bị đủ kiến thức nuôi con nhỏ.

ADQuảng cáo

Nỗ lực cải thiện tầm vóc

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy, di truyền chỉ chiếm 23%, còn 25% là do tâm lý và môi trường sống, 20% liên quan tới chế độ rèn luyện thể lực và quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng quyết định 32% sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ.

Vì vậy, để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, các gia đình cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ một cách hợp lý. Đặc biệt, việc cân bằng dinh dưỡng hợp lý từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo kết quả điều tra 30 cụm của Viện dinh dưỡng Quốc gia, năm 2012, tỷ lệ trẻ SDD chiều cao trên địa bàn tỉnh là 35,1% và đến nay có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ SDD chiều cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức 32,4%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 24,3%. Tỷ lệ này tương ứng, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi, thì có 1 trẻ bị SDD chiều cao.

Về phía ngành Y tế, cùng với việc triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp như hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ SDD, tư vấn và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ SDD nặng... thì tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục tại cộng đồng vì đây là hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân. Nội dung và hình thức tuyên truyền sẽ được nghiên cứu đổi mới để ngày càng phong phú, gần gũi như truyền thông trực tiếp về kiến thức dinh dưỡng cho các đối tượng là phụ nữ mang thai và bà mẹ có con nhỏ, tổ chức thực hành dinh dưỡng ngay tại các thôn, bon…

Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng can thiệp sớm các đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ mang thai nhằm làm giảm SDD bào thai, cải thiện tình trạng SDD trẻ em ngay từ khi mới sinh. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ cũng cần thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để có điều kiện chăm sóc tốt, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em SDD. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở các thôn, bon sẽ tiếp tục được rà soát, kiện toàn, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là công tác phòng, chống SDD trẻ em phải trở thành một hoạt động xã hội, huy động được mọi nguồn lực cùng tham gia, với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có như vậy, tình trạng SDD trẻ em nói chung và SDD chiều cao nói riêng mới từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng chiều cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO