Nông dân học làm giám đốc hợp tác xã

Đức Hùng| 23/09/2020 08:05

Năm 2007, gia đình ông Vũ Văn Nghĩa, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô), bắt đầu trồng xen ca cao vào rẫy cà phê để tận dụng quỹ đất, tăng thêm thu nhập.

ADQuảng cáo

Ban đầu, ông Nghĩa chỉ trồng một số ít theo kiểu thử nghiệm. Dần dần tìm hiểu, chăm sóc thấy được những ưu thế của cây ca cao trên vùng đất này, nên ông từng bước mở rộng diện tích.

Ông Nghĩa (bên phải) đang giới thiệu về quy trình vận hành máy rang ca cao

Qua thời gian trồng và chăm sóc, ông đã có gần 10 ha ca cao cho thu hoạch. Đến nay, mỗi ha ca cao thu hoạch được khoảng 1,6 tấn quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng ca cao, ông Nghĩa đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống cho người dân trên địa bàn làm theo, từng bước đa dạng hóa cây trồng và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.

Sau thời gian vận động, các hộ sản xuất và hình thành được vùng nguyên liệu tập trung với 112 ha ca cao. Năm 2016 ông Nghĩa cùng với những người trồng ca cao trên địa bàn quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Krông Nô để liên kết các hộ dân trồng ca cao. Những người tham gia HTX đã cùng nhau hoạt động theo tiêu chuẩn chung, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm ca cao do mình làm ra.

Để tìm được thị trường đầu ra, bước đầu HTX đã đưa sản phẩm đi phân tích thành phần. Kết quả, sản phẩm của đơn vị đã đạt tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia vào thị trường thế giới. Nhờ đó, HTX đã tham gia vào tổ chức Thương mại Công bằng, một trong những tổ chức thương mại có uy tín trong và ngoài nước. Để sản xuất ca cao theo quy trình và hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn, HTX đã đầu tư máy móc, từng bước chế biến, tạo ra các sản phẩm ca cao có chất lượng cao, giảm dần sản phẩm thô.

ADQuảng cáo

Các nông dân tham gia lớp tập huấn làm ban quản trị, giám đốc HTX

Từ một nông dân chỉ quen với việc trồng và chăm sóc cây ca cao, ông Nghĩa được bầu làm Giám đốc HTX. Trên cương vị mới này, ông Nghĩa phải quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho HTX. Ông cũng tìm cách liên kết, kết nối sản phẩm với thị trường, tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm của đơn vị. Ông Nghĩa còn thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã truy xuất nguồn gốc, hồ sơ công nhận các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp cho các sản phẩm.

Ông tâm sự: "Công việc của một giám đốc là rất mới, đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau. Bước đầu với nhiều bỡ ngỡ và thiếu tự tin, nhưng vừa làm, vừa học, tôi dần dần thích nghi được".

Hầu hết các giám đốc HTX trên địa bàn tỉnh đều xuất thân từ nông dân. Do đó, họ đều phải đối mặt với những khó khăn, thử thách khi được đặt vào cương vị mới. Nhưng bằng sự nỗ lực, rèn luyện, nhiều người trong số họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, lèo lái HTX đi đến những thành công. Nắm bắt được những khó khăn này, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã tổ chức các lớp học dành cho ban quản trị, các giám đốc, chủ tịch HTX để trang bị kỹ năng, kiến thức trong quản lý, điều hành HTX, kết nối thị trường.

Mỗi lớp học thường do các chuyên gia, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực thuyết trình, giảng dạy các chuyên đề cụ thể về kinh nghiệm quản trị HTX. Mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức khoảng 30 lớp học làm giám đốc, chủ tịch HTX, với khoảng 400 lượt người tham gia. Liên minh HTX tỉnh còn đồng hành, hỗ trợ các HTX các hoạt động cụ thể như quảng bá, giới thiệu hàng hóa; hỗ trợ dán mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa; tìm kiếm thị trường; đào tạo nghề... Nhờ đó, hầu hết HTX trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định, hoạt động có hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân học làm giám đốc hợp tác xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO