Phạm nhân nghiện ma túy và khát vọng làm lại cuộc đời

Phan Tuấn| 25/08/2017 08:25

Phạm nhân Trần Văn An (SN 1976), ở tỉnh Nam Định từng chìm đắm trong ma túy. Hiện tại, An phải cải tạo ở Trại giam Đắk P’lao. Ở chốn lao tù, An đang cần mẫn để biến những ân hận tiếc nuối vào học tập, lao động. Đó là cách tốt nhất để những người như An bước qua bóng tối, làm lại cuộc đời.

ADQuảng cáo

Phạm nhân An lao động, cải tạo tại Trại giam Đắk P’lao

Chúng tôi vào Trại giam Đắk P’lao khi An đang tích cực học nghề thủ công mỹ nghệ. An cao lớn, có cách nói chuyện điềm tĩnh. Nếu không được Ban Giám thị trại giam giới thiệu thì thật khó tin trước đây An là một con nghiện và buôn bán trái phép chất ma túy.

An kể: “Năm 2009, sau khi lấy vợ, sinh con, tôi xin lái xe tải cho một công ty xây dựng ở tỉnh Đắk Nông. Do thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, thời gian làm việc kéo dài nên tôi đã đua đòi theo bạn bè sử dụng ma túy để “cầm cự” với công việc. Sau nhiều lần sử dụng, tôi đã bị chìm sâu vào sự cám dỗ của “nàng tiên nâu””. 

Thời điểm đó, thu nhập của An hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Giai đoạn mới nghiện, mỗi tháng An tiêu tốn cho việc hút hít khoảng 1 triệu đồng/tháng nên còn tiền để mang về cho vợ con. Nhưng sau đó, khi đã lún sâu, nghiện ngập nặng, mỗi ngày An phải “ném” đi khoảng 1 triệu đồng để chích hút thì mới thõa mãn cơ thể. Khi đã nghiện ngập nặng, An không còn duy trì được công việc. Những của cải có giá trị trong gia đình cũng lần lượt ra đi vì An. Khi đã bán hết tài sản, để có tiền chích hút, An từ con nghiện dần trở thành kẻ buôn bán ma túy để kiếm tiến lời và tiếp tục chích hút.

ADQuảng cáo

Năm 2012, một trong những lần buôn bán như vậy, An bị công an bắt quả tang, rồi bị Tòa án tuyên phạt 5 năm tù về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Ngày vào Trại giam được sự động viên của các cán bộ quản giáo, An đã nỗ lực cai nghiện thành công. Hiện nay, sức khỏe của An đã ổn định và có thể lao động, làm được nhiều công việc nặng nhọc khác nhau.

An tâm sự: “3 năm nghiện ngập, tôi đã “đốt” đi khoản tiền khoảng 500 triệu đồng của gia đình. Bởi vậy, điều khiến tôi hối hận nhất là mình chẳng những không chăm lo được cho vợ và đứa con trai non dại mà còn đẩy vợ con rơi vào cảnh đi ở trọ, làm thuê. Ngày vào trại giam, người vợ bấy nhiêu năm khổ cực vẫn luôn quan tâm yêu thương và động viên tôi cải tạo thật tốt. Điều tôi buồn nhất là đứa con trai do còn quá nhỏ nên không nhớ được mặt bố. Mỗi lần gặp, thấy con nhìn mình như người xa lạ, tôi không cầm được nước mắt. Vì ma túy mà con đẻ của mình lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cảm của cha. Vì vậy, tôi luôn luôn tự nhắc mình phải nỗ lực cải tạo thật tốt để làm lại cuộc đời và bù đắp những mất mát, khổ đau đã gây ra cho người thân".

Theo đánh giá của cán bộ quản giáo Trại giam Đắk P’lao, đáng mừng là An đã sớm vượt qua mặc cảm, không còn những biểu hiện bi quan, chán nản. Trong lao động, cải tạo An là một trong số những người có tay nghề khá, luôn có ý thức phấn đấu, cải tạo tốt để sớm trở về với cộng đồng, làm lại cuộc đời. Thời gian cải tạo, học tập lao động tại Trại giam đã giúp An nhận rõ những giá trị của lao động và ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội. Chỉ còn vài tháng nữa An sẽ hết thời hạn cải tạo. Nhìn ánh mắt đầy quyết tâm của An, chúng tôi tin rồi An sẽ thực hiện được mong ước hoàn lương của mình.

Phạm nhân An khẳng định: “Rũ bỏ được áo tù, tôi sẽ học nghề cắt tóc mà vợ tôi bấy lâu nay vẫn làm. Tôi sẽ lao động chân chính, kiếm tiền bằng đôi tay, trí óc của mình chứ không làm những điều phi pháp… đánh mất cuộc đời ở trong chốn lao tù nữa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm nhân nghiện ma túy và khát vọng làm lại cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO