Phản biện xã hội phải trở thành hành động!

Hoàng Bảo| 21/12/2017 09:24

Không biến công tác phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể thành dịch vụ, thích thì làm, không thích thì thôi, phải thực sự trở thành hành động trong thực tiễn, đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại Hội nghị giao ban công tác mặt trận năm 2017 cụm các tỉnh khu vực Tây Nguyên vừa được tổ chức tại Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, phản biện xã hội cần phải trở thành hành động trong thực tiễn

Theo đánh giá, năm 2017, công tác phản biện xã hội do MTTQ các tỉnh Tây Nguyên thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tại tỉnh Đắk Nông, mặc dù còn nhiều hạn chế, song Mặt trận các cấp cũng đã tham gia phản biện xã hội vào 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương như: dự thảo luật Trợ giúp pháp lí, luật Thủy lợi; dự thảo Kế hoạch cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; Đề án xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng ao, hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020; Nghị quyết HĐND tỉnh về ban hành các chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông đến năm 2020…

Tương tự, Mặt trận các cấp tỉnh Lâm Đồng tổ chức phản biện về dự thảo Đề án phát triển kinh tế vườn hộ; dự thảo Đề án phân loại đơn vị hành chính huyện Đức Trọng; nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội…

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, công tác phản biện xã hội của Mặt trận các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế như chỉ mới tập trung vào những việc góp ý các dự thảo đề án, chương trình, kế hoạch trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương do HĐND, UBND và các sở, ban ngành cùng cấp. Một số địa phương, Mặt trận chưa chủ động tham gia phản biện xã hội, chưa bám sát vào nhiệm vụ của địa phương... Tại nhiều nơi, các cơ quan quản lý nhà nước còn lợi dụng ý kiến phản biện của Mặt trận để thông qua các văn bản.

Công tác phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc phải làm để nâng cao vai trò, chức năng của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Vì vậy, Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên cần tham gia phản biện vào các dự án, đề án, văn bản liên quan đến đời sống nhân dân.

Để phản biện tốt, khẳng định tiếng nói của mình, Mặt trận các cấp  và các tổ chức thành viên cần phải nghiên cứu tài liệu, văn bản một cách chuyên sâu. Mỗi vấn đề đưa ra, Mặt trận cần phân tích mổ xẻ một cách sâu sát, tránh tình trạng mời lên họp rồi cầm tài liệu đọc vội, phản biện vội, trong khi chưa hiểu rõ vấn đề dẫn đến phản biện chưa sâu, chưa đúng, hời hợt. Như vậy, đồng nghĩa với việc Mặt trận chưa thực hiện hết chức trách đại diện, bảo vệ tiếng nói của nhân dân.

Tại Hội nghị giao ban công tác mặt trận năm 2017 cụm các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phản biện xã hội cần được xem xét ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.

Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Phản biện xã hội cần phải trở thành hành động trong thực tiễn, nhất là phản biện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành, tránh tình trạng bị động khi có yêu cầu thì mới thực hiện. Ngoài ra, Mặt trận các tỉnh cũng cần tổ chức đóng góp ý kiến cho tổ chức đảng, chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh. Cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tham gia phản biện, góp ý, thể hiện vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản biện xã hội phải trở thành hành động!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO