Phát huy vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong chăm lo tết cho người nghèo

Hoàng Hoài thực hiện| 08/01/2020 09:00

Hiện nay, công tác vận động, kêu gọi để tặng quà Tết cho người nghèo đã và đang được Ban chỉ đạo phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam các cấp trong tỉnh gấp rút thực hiện. Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tỉnh.

ADQuảng cáo

Bà Trần Thị Tuyết

Phóng viên: Thưa bà, hiện nay, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã đến gần, vậy công tác kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ Tết cho người nghèo đã được thực hiện như thế nào?

Bà Trần Thị Tuyết: Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã vận động được gần 300 triệu đồng để tặng quà Tết cho các đối tượng theo kế hoạch ban hành. Nhưng năm nay, với tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh là giao cho các huyện tự chủ, còn Ban chỉ đạo Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tỉnh chỉ hỗ trợ cho các huyện khó khăn nhất đó là Tuy Đức, Đắk Glong và hỗ trợ thêm cho hai huyện Đắk Song, Krông Nô trong trường hợp vận động không đủ.

Hiện nay, các huyện cơ bản vận động đáp ứng được nhu cầu, chỉ thiếu khoảng 4.000 suất đối với hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Ngoài số tiền được chuyển về cho cơ quan thường trực là Hội Chữ thập đỏ tỉnh thì Hội vẫn đang tiếp tục vận động thêm.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã tiếp nhận các phần quà để tặng người nghèo. Điển hình, Báo Đắk Nông phối hợp với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 3.000 suất quà. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông hỗ trợ 1.000 suất quà..

Năm nay, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã đăng ký hỗ trợ tặng quà Tết cho các đối tượng như Sở Y tế đã đăng ký hỗ trợ 100 triệu đồng; Công an tỉnh đăng ký tặng hơn 1.000 suất quà…

Phóng viên: Xin bà nói rõ hơn về những điểm mới trong cách thức triển khai vận động cho phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2020 so với những năm trước?

Bà Trần Thị Tuyết: Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cách thức kêu gọi, vận động đã có đổi mới so với năm trước rất nhiều. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là năm nay không thành lập đoàn đi vận động cũng không giao chỉ tiêu mà chỉ gửi thư kêu gọi và để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tự cân đối, hỗ trợ. Bởi do mình không thấy được tình hình thực tế của cơ quan, doanh nghiệp đó như thế nào, nên giao chỉ tiêu nhiều lúc sẽ gây khó cho các đơn vị. Vì vậy, việc đóng góp, ủng hộ Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam chậm hơn và số tiền mà Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận cũng ít hơn so với thời điểm này của năm trước.

ADQuảng cáo

Sự đổi mới trong cách làm này do mới thí điểm nên ban đầu sẽ có khó khăn. Mục đích của tỉnh hướng tới là nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, chủ động của các địa phương để chăm lo cho người dân địa bàn mình nên cần phải thực hiện thật tốt. Cũng do năm đầu tiên thực hiện, nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm để những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Như bà nói, năm nay, tỉnh đã có sự thay đổi về cách huy động đóng góp là giao cho các địa phương, vậy vì sao lại có sự đổi thay này?

Bà Trần Thị Tuyết: Nói chung, qua mỗi năm, tỉnh đều có sự đúc kết, rút kinh nghiệm để làm sao phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ngày càng hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Thực tế nhiều năm triển khai, chúng tôi nhận thấy, nếu tỉnh cứ ôm đồm tất cả mọi việc thì sẽ không phát huy được tinh thần, trách nhiệm trong chăm lo Tết cho người dân mình của các địa phương. Vì vậy, năm nay, tỉnh đổi mới cách làm đó là tạo tính tự chủ cho các địa phương. Bởi việc huy động, kêu gọi tặng quà cho người nghèo là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trên thực tế, công tác kêu gọi, vận động là của mỗi cấp, chứ không riêng gì cấp tỉnh. Hơn nữa, mỗi cấp làm một ít thì sẽ giảm bớt được trách nhiệm cho cấp trên cũng như không để tình trạng bị động sát Tết các địa phương còn gọi điện bổ sung quà tặng. Việc này cũng là để các địa phương phát huy trách nhiệm của mình đối với bà con mình, tránh tình trạng ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên.

Phóng viên: Vậy thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ làm gì để đáp ứng chỉ tiêu đề ra là vận động trên 35.000 suất quà Tết?

Bà Trần Thị Tuyết: Chăm lo Tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, cũng là cách để tô đẹp thêm truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm là rách” của dân tộc. Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu đề ra là vận động trên 35.000 suất quà, tương đương 100% các đối tượng quy định đều có quà Tết, cơ quan thường trực là Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ về tiền mặt, quà tặng cũng như tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị chưa tham gia tiếp tục ủng hộ. Công tác tham mưu để phân bổ quà cho đơn vị khó khăn như Tuy Đức, Đắk Glong và một phần cho Đắk Song, Krông Nô khi thiếu được chú trọng.

Điều đáng mừng, năm nay, tỉnh không thành lập đoàn đi vận động, nhưng do nguồn vận động từ năm trước tiết kiệm vẫn còn. Vì vậy, nếu khi quà không huy động đủ, Hội sẽ tham mưu UBND tỉnh trích từ nguồn vận động từ năm trước để hỗ trợ cho người nghèo. Ban chỉ đạo cũng sẽ đôn đốc, thường xuyên kiểm tra quá trình vận động của các địa phương để chủ động nắm bắt tình hình vận động và kịp thời tham mưu tỉnh có giải pháp phù hợp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong chăm lo tết cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO