Phát triển y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân (kỳ 2): Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Vũ Trang| 22/08/2018 09:49

Với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, nhất là ở tuyến y tế cơ sở (YTCS) thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế luôn là vấn đề được các cơ cở y tế trên địa bàn quan tâm nghiên cứu, tìm hướng giải quyết. Từ thực tế đó, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

ADQuảng cáo

Các BVĐK huyện ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ảnh: BVĐK huyện Cư Jút là đơn vị đầu tiên của tuyến YTCS triển khai kỹ thuật CT-Scaner

Xã hội hóa- “một mũi tên trúng hai đích”

Trong điều kiện kinh phí của ngành Y tế cũng như ngân sách của địa phương còn khó khăn, các cơ sở y tế đã mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa, góp phần quan trọng trong việc giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đắk R’lấp là một trong những “điểm sáng” của tỉnh về công tác xã hội hóa y tế. Tính đến năm 2017, tổng nguồn vốn xã hội hóa của bệnh viện đã lên đến hơn 6 tỷ đồng, với việc đầu tư một số thiết bị y tế hiện đại gồm: Máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4D, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy điện não đồ, máy chạy thận nhân tạo…

Bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc BVĐK huyện Đắk R’lấp cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng như lộ trình phát triển, bệnh viện phải cần một lượng máy móc, trang thiết bị y tế khá lớn. Vì vậy, trong bối cảnh đầu tư công rất khó khăn, nên đẩy mạnh xã hội hóa là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này. Với việc đầu tư thêm các loại máy móc, công tác chẩn đoán cận lâm sàng, điều trị của bệnh viện được cải thiện đáng kể, đem lại niềm tin cho người bệnh.

Với việc đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và chuẩn hóa nguồn nhân lực, BVĐK huyện Đắk R’lấp ngày càng thu hút đông người dân đến khám, chữa bệnh

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 450-600 người đến khám và điều trị, tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây. Trong 6 tháng đầu năm 2018, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện đạt cao nhất tỉnh với 93%, vượt BVĐK tỉnh 8%”.

Theo Sở Y tế, xã hội hóa được xem là giải pháp “một mũi tên trúng hai đích”, vừa góp phần giải quyết tình trạng thiếu kinh phí đầu tư vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, đa dạng của người dân. Hiện nay, ngoài BVĐK huyện Đắk R’lấp, công tác xã hội hóa cũng bắt đầu được triển khai tại BVĐK huyện Đắk Glong, BVĐK huyện Đắk Song… Để phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa, ngành Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện xây dựng đề án, lộ trình cụ thể, đồng bộ cũng như tăng cường quản lý từ quy hoạch, lắp đặt đến chất lượng, giá cả các trang thiết bị và sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế, tránh tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết.

Mới đây, Sở Y tế đã ban hành Danh mục kỹ thuật chuyên môn và giá dịch vụ dùng chung cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là dữ liệu quan trọng để các cơ sở y tế áp dụng một cách thống nhất, tránh tình trạng lạm dụng các kỹ thuật có sử dụng thiết bị xã hội hóa. Điều quan trọng nhất là việc triển khai xã hội hóa y tế phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, để người dân thực sự được hưởng lợi từ hoạt động này.

Xây dựng môi trường y tế xanh-sạch-đẹp là hoạt động được nhiều cơ sở y tế chú trọng. Ảnh: Khoa Nhi của BVĐK huyện Cư Jút được trang trí đẹp mắt, thân thiện với trẻ em

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Từ vị trí cuối bảng xếp hạng bệnh viện tuyến cơ sở của tỉnh, đến nay, BVĐK huyện Đắk Glong đã có những thay đổi đáng kể, trở thành “địa chỉ” khám chữa bệnh tin cậy của nhân dân trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc BVĐK huyện Đắk Glong, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chính là “chìa khóa” để bệnh viện thu hút và “giữ chân” người bệnh. Từ cuối năm 2015 trở về trước, BVĐK huyện Đắk Glong được xem là “trạm trung chuyển” khi phải chuyển tuyến khoảng 15.000 lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm. Trong khoảng thời gian gian ấy, ngay đến những bệnh lý thông thường cũng phải chuyển tuyến, phụ nữ chuyển dạ sinh con khó một chút cũng chuyển tuyến... Việc chuyển tuyến nhiều đến độ 54 nhân viên y tế của đơn vị chỉ có thể phục vụ 8 bệnh nhân nội trú/ngày.

Trước thực tế đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế của BVĐK huyện Đắk Glong đã xây dựng chiến lược, quyết tâm “thay da đổi thịt” cho cơ sở y tế còn nhiều khó khăn này. Nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ từ bố trí lại phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đặc biệt, từ năm 2016, bệnh viện ký kết chương trình hợp tác với BVĐK Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên, bệnh viện đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công mô hình quản lý chất lượng “5S”.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh chia sẻ: “Bệnh viện Quận 2 đã giúp chúng tôi tiếp cận tư duy quản lý, vận hành bệnh viện rất mới. Ngoài ra, góc nhìn của chúng tôi về vấn đề cung ứng dịch vụ phi lâm sàng như công tác xã hội, chăm sóc khách hàng… cũng thay đổi rất nhiều, nên tinh thần và thái độ phục vụ đổi mới triệt để. Không chỉ chuyển biến ở dịch vụ phi lâm sàng mà cả lĩnh vực lâm sàng (điều trị) và cận lâm sàng (chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng) đều có những thay đổi tích cực”.

Vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cũng là giải pháp đang được BVĐK huyện Cư Jút quan tâm triển khai. Cùng với phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị, bệnh viện luôn chú trọng cải thiện cảnh quan môi trường, đổi mới phong cách, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nhằm đáp ứng hiệu quả cao nhất trong khám và điều trị bệnh. Đơn cử như tại khoa Nhi, cùng với việc trang trí những hình vẽ chim, cá, lá hoa… vui mắt, bệnh viện còn bố trí một sân chơi cho trẻ với đầy đủ đồ chơi bắt mắt…

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nghĩa, Giám đốc BVĐK huyện Cư Jút cho biết: “Từ khi triển khai chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh. Vì vậy, nếu đơn vị không đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng hoạt động thì sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân. Qua khảo sát, trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số hài lòng của người bệnh đối với bệnh viện đạt 91%”.

BVĐK huyện Đắk Glong triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu người bệnh

Hướng tới sự hài lòng người dân

Theo đánh giá của Sở Y tế, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, hiện nay, chất lượng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở đã từng bước được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đến nay, các BVĐK tuyến huyện đã triển khai được từ 58,1% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 83%. Một số bệnh viện đã phát triển các dịch vụ chẩn đoán, phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, giảm dần số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, hệ thống YTCS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 386.213 lượt người, chiếm 79,26% tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn tỉnh.

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế còn chú ý cải thiện thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người dân đối với các dịch vụ y tế. Qua kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy, 80% người dân được khảo sát đã hài lòng với chất lượng các dịch vụ y tế trên địa bàn.

Có thể nói, dẫu còn nhiều bộn bề, trăn trở nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Y tế đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để toàn ngành phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.

>>Kỳ cuối: Đổi mới hệ thống y tế cơ sở theo hướng toàn diện, đồng bộ, hiện đại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân (kỳ 2): Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO