Phiên giao dịch việc làm: “Cầu nối” đắc lực của thị trường lao động

Thanh Nga| 05/04/2017 14:04

Tại phiên giao dịch việc làm tỉnh Đắk Nông lần thứ I năm 2017 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND huyện Chư Jút tổ chức tại thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) mới đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các địa phương là khá lớn. Điều đáng nói hơn cả là qua phiên giao dịch việc làm, giữa người lao động và doanh nghiệp có điều kiện tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, tạo sự kết nối hết sức cần thiết.

ADQuảng cáo

Minh chứng là phiên giao dịch việc làm đã thu hút 23 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng 3.530 vị trí việc làm trong nước và xuất khẩu lao động, du học nước ngoài, tuyển sinh nghề hệ trung cấp, cao đẳng trong năm 2017. Nhóm vị trí việc làm lớn nhất là xuất khẩu lao động và du học theo hình thức vừa học, vừa làm với 2.026 vị trí được các doanh nghiệp, công ty mời gọi. Bên cạnh đó, có 1.047 vị trí việc làm trong nước, còn lại là đào tạo nghề.

Qua phiên giao dịch việc làm, nhiều lao động tìm được việc làm

Bà Thành Thị Yên Hoài, Trưởng Phòng tuyển nguồn của Công ty Xuất khẩu lao động Mai Linh (Tập đoàn Mai Linh)-đơn vị tham gia phiên giao dịch cho biết: “Đây là lần đầu tiên công ty phối hợp với tỉnh Đắk Nông tổ chức giới thiệu quảng bá, tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu nước ngoài tại chính địa bàn tỉnh. Các năm trước, công ty cũng đã tiếp nhận một số lao động Đắk Nông trực tiếp xuống trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh để đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Trong năm 2016, công ty đã giới thiệu thành công cho hơn 20 lao động Đắk Nông xuất khẩu lao động sang các nước và có việc làm, thu nhập ổn định. Nhận thấy nhu cầu đi lao động nước ngoài trên địa bàn Đắk Nông khá nhiều nên lần này, công ty tiếp tục tham gia phiên giao dịch để giúp các lao động địa phương biết, tiếp cận và có lựa chọn phù hợp”.

Ông Nguyễn Công Sáu, Trưởng Phòng quản lý nhân sự Công ty Kỹ nghệ gỗ MDF-Long Việt cũng nói: “Hiện nay, công ty đang mở thêm nhà máy chế biến gỗ ván công nghệ cao tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng (Chư Jút) nên nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn. Bên cạnh tuyển dụng lao động phổ thông, công ty đang rất cần nhiều vị trí việc làm có trình độ cao đẳng, đại học. Trên cơ sở những thông tin giới thiệu tại phiên giao dịch việc làm lần này, công ty hy vọng sẽ tuyển dụng được nhiều lao động có trình độ cao đẳng, đại học, đáp ứng các yêu cầu đề ra để phục vụ cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp”.

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, qua phiên giao dịch cũng cho thấy, nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm của học sinh, người lao động tại các địa phương khá nhiều. Trong số hơn 400 lao động, học sinh tham gia phiên giao dịch, ngoài một số người có nhu cầu tìm hiểu thông tin để có sự lựa chọn, định hướng việc làm sau này, cũng có không ít người đến đây với mong muốn tìm được việc làm phù hợp với trình độ, điều kiện bản thân.

ADQuảng cáo

Bạn Phạm Ngọc Huyền, ở xã Nâm N’dir (Krông Nô) cho biết: “Tôi đã tốt nghiệp THPT năm ngoái, nhưng không có điều kiện học tiếp, nên mong muốn tìm được một việc làm phổ thông phù hợp. Tham gia phiên giao dịch việc làm này, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tôi đã chọn học nghề may để làm công nhân may mặc”.

Bạn Trần Văn Huynh, ở thị Đắk Mâm (Krông Nô) cũng chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu và được các công ty tư vấn, tôi quyết định đăng ký hồ sơ để được đi du học Nhật Bản theo hệ vừa học, vừa làm”.

Bạn Võ Đăng Dương, ở thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) cũng cho biết, sau khi phỏng vấn trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm thì đã được một công ty ở huyện Đắk R’lấp nhận hồ sơ và hứa sẽ tuyển dụng việc làm.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm chính là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất năm 2017 đã cung cấp nhiều thông tin về lao động, việc làm, đào tạo nghề và có những thỏa thuận giữa người lao động và người cần tuyển dụng lao động. Sau này, Sở tiếp tục phối hợp để mở thêm các phiên giao dịch việc làm tương tự tại các huyện, thị xã, với mục đích cuối cùng là tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.

Có thể nói, ngoài việc tạo công ăn, việc làm từ các chương trình, dự án kinh tế thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua các kênh khác nhau, trong đó có các phiên giao dịch việc làm được xem là “cầu nối” đắc lực, giúp “cung” và “cầu” trên thị trường lao động gặp nhau.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 19.000 người và giải quyết việc làm cho 90.000 người. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động, việc làm trong thời kỳ hội nhập mà còn là một trong những điều kiện góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên giao dịch việc làm: “Cầu nối” đắc lực của thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO