Phòng, chống bệnh dại từ chó: Người dân cần tự bảo vệ mình

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 30/10/2018 09:47

Vào tháng 9/2018 tỉnh Đắk Nông phát hiện 1 ổ dịch dại chó đầu tiên tại tổ dân phố 4, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa như là hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ từ sự chủ quan của người dân trong thói quen nuôi chó hiện nay.

ADQuảng cáo

Một học sinh ở Quảng Khê (Đắk Glong) bị chó cắn được gia đình đưa ra thị xã Gia Nghĩa tiêm vắc xin phòng dại

Phát hiện chó dương tính với vi rút dại

Khoảng ngày 10/ 9, một con chó của hộ ông Trần Bình Minh, ở tổ 4, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa đang nuôi có những biểu hiện bất thường. Cụ thể, con vật sủa cả ngày lẫn đêm, bỏ ăn, cắn con cùng đàn và các vật dụng xung quanh. Khoảng 5 ngày sau chó cắn chủ nhà, sau đó con chó này bị chết. Lo sợ chó bị dại nên ông Minh đã đến cơ quan y tế để tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, đồng thời báo cơ quan thú y về sự việc.

Sau khi nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã lấy mẫu gửi đến Trạm chẩn đoán xét nghiệm thuộc Chi cục Thú y vùng 6, thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dại. Lập tức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Gia Nghĩa tiến hành các biện pháp chống dịch khẩn cấp như: Tiêu hủy con chó bị chết và vận động chủ nhà tiêu hủy chó cùng đàn theo quy định; tiêu độc khu vực nuôi chó và khu vực xung quanh, điều tra tổng đàn, rà soát lại số chó chưa được tiêm phòng để tiêm phòng bổ sung…

Đơn vị này cũng gửi công văn hỏa tốc đến ngành Y tế về tình hình bệnh dại chó, mèo trên địa bàn tỉnh.  Kết quả thống kê tổng đàn chó cho thấy riêng địa bàn phường Nghĩa Thành có tất cả 637 con chó đang được các hộ dân nuôi (chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông), trong đó chỉ có 360 con được tiêm phòng dại. Ngoài việc tiêm phòng bổ sung, cán bộ chuyên môn cũng đã sử dụng 5 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng khu vực có ổ dịch. Chính vì thế, bệnh dại đã được khống chế, không có lây lan, phát sinh thêm ổ dịch bệnh dại trên chó mèo ra các vùng khác.

Chị Nguyễn Thị Nga, tổ 1, Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn

Số lượng chó, mèo tiêm vắc xin không cao

Theo ông Trần Bình Minh, chủ nuôi con chó bị phát dại thì cách đây khoảng 3 đến 4 tháng, có 1 con mèo hoang chạy vào sân gia đình. Con chó nuôi và con mèo cắn nhau . Sau đó con mèo bị chết, ông nghi ngờ có thể con mèo hoang này mang mầm bệnh vi rút dại lây lan sang cho con chó. Tuy vậy nhưng chính con chó nuôi này cũng không được gia đình ông Minh tiêm phòng dại.

ADQuảng cáo

Không chỉ với ông Minh, tâm lý chủ quan, lơ là với bệnh dại là khá phổ biến với người dân nuôi chó. Chị H Ngôn, thôn 3, Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết: “Nhà  tôi nuôi 2 con chó từ lâu, chúng vốn rất hiền, không cắn ai bao giờ nên tôi cũng không tiêm phòng dại”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ chó, mèo tiêm vắc xin đạt bao nhiêu so với tổng đàn nhưng có thể khẳng định là số được tiêm phòng bệnh dại chưa cao. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh tiêm được trên 16.500 liều vắc xin dại chó, trong đó cao nhất là huyện Đắk Mil với 3.000 liều, tiếp đó là Đắk R’lấp 2.700 liều;  Cư Jút 2.500 liều... còn lại là các địa bàn khác. Số chó được tiêm vắc xin phòng dại nêu trên cũng chỉ là con số khiêm tốn bởi thực tế hiện người dân nuôi chó tự phát, không khai báo số lượng nên cơ quan chuyên môn cũng khó kiểm soát số lượng để vận động tiêm phòng dại chó.

Bên cạnh đó, nhiều người hiện nay còn có thói quen nuôi chó thả rông hoặc ban ngày nhốt, ban đêm thả ra ngoài nên vật nuôi rất hay tấn công người. Chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ 1, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho biết: Khoảng giữa tháng 10, đang điều khiển xe máy giữa đường vào buổi tối, tôi đã bị một con chó đuổi theo một đoạn đường dài, rồi cắn vào bàn chân làm tôi té xuống đường. Bị té, bị chó cắn tôi đã rất hoảng sợ. Rất may là không xảy ra va chạm với phương tiện khác đang lưu thông. Vết thương nặng, lo sợ nguy cơ bị dại nên tôi đã phải đến phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm  Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng bệnh dại.

Chó nuôi thả rông phổ biến tại các phường của thị xã Gia Nghĩa.  (Ảnh chụp tại phường Nghĩa Trung)

Nguy cơ xuất hiện bệnh dại trên người

 Theo Trung tâm Y tế dự phòng  (Sở Y tế), thực tế những năm gần đây, số người bị chó cắn đến tư vấn, tiêm vắc xin, huyết thanh phòng chống bệnh dại từ chó khá nhiều. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay,  toàn tỉnh có 5.491 liều vắc xin phòng dại và 200 liều huyết thanh kháng dại được tiêm cho người dân bị chó cắn tại các phòng tiêm dịch vụ, tăng hơn 1.000 liều so với 9 tháng đầu năm 2017 (9 tháng đầu năm 2017 có 4.411 liều vắc xin phòng dại và 215 liều vắc xin kháng dại được sử dụng).

Mới đây, sau khi nhận được công văn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về ổ dịch dại chó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lập danh sách các trường hợp bị chó, mèo cắn trên địa bàn để vận động, tư vấn 100% người dân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Về vấn đề này, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế) cho biết: Đơn vị xác định khả năng nguy cơ mắc bệnh dại trên người tại thị xã Gia Nghĩa là rất lớn nếu không có sự chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Đến nay, sau khoảng 1 tháng phát hiện ổ dịch dại chó, các ngành chức năng đã có sự phối hợp khá tốt để dập dịch, không để lây lan. Tuy nhiên, các nguy cơ xuất hiện bệnh dại trên người vẫn tiềm ẩn nếu người dân, chủ hộ nuôi chó, mèo không nêu cao vai trò hàng đầu trong vấn đề phòng ngừa. Chỉ khi chính người dân ý thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm của bệnh dại trên vật nuôi và trên người thì mới đẩy lùi được nguy cơ xuất hiện, lây lan ra cộng đồng.

Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút. Bệnh dại lây truyền từ các loài động vật sang người khi tiếp xúc gần gũi, bị loài động vật mang bệnh cào hoặc cắn phải. Bệnh dại có hai thể, bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất. Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Đôi khi bạn có thể bị nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và con người đều dẫn đến mất mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh dại từ chó: Người dân cần tự bảo vệ mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO