Phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên của toàn xã hội

Ngô Đồng| 01/12/2020 09:35

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 30/9/2020, lũy tích toàn tỉnh có 726 người nhiễm HIV/AIDS; trong đó có 221 người đã tử vong do AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS đã có mặt ở tất cả 8 huyện, thành phố, với 68/71 xã, phường, thị trấn, đòi hỏi công tác phòng chống cần phải được nâng cao hơn nữa về mọi mặt.

ADQuảng cáo

Giáo dục, tuyên truyền được chú trọng

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ, những năm qua, Đắk Nông đã nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm hạn chế số người nhiễm HIV thấp nhất có thể. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai những chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS.  Trong đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đem lại những hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Mít tinh Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS hàng năm tại các huyện, thành phố

Công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được ưu tiên chú trọng, cả bề rộng và chiều sâu, nhất là có nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân có cơ hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, các cấp, cách ngành mà chủ trì là ngành Y tế phối hợp các địa phương, đơn vị truyền thông, tuyên truyền ở khắp các thị trấn, xã, phường, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về các nội dung quan trọng trong công tác dự phòng, điều trị, các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Tỉnh đã đồng loạt triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư cũng như tổ chức tuyên truyền về HIV/AIDS nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AID tại các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, đến nay, tỉnh đã thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV đạt tới 95,7% và phấn đấu đạt 100% trong thời gian tới.

Để hạn chế con đường lây truyền HIV, tỉnh đã xây dựng các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Năm 2020, toàn tỉnh đã cấp phát miễn phí 5.000 bơm kim tiêm sạch, 13.784 bao cao su cho các đối tượng. Toàn tỉnh hiện có 1 cơ sở điều trị và 7 cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại các huyện, thành phố.

Ngành Y tế tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở y tế

ADQuảng cáo

Ngành Y tế còn truyền thông, tư vấn trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS và điều trị Methadone cho 184 trường hợp, 361 người nhiễm hiện đang được điều trị ARV. Việc triển khai các cơ sở điều trị Methadone đã giúp người nghiện ma túy dạng thuốc phiện không còn dùng chung bơm kim tiêm do tiêm chích ma túy, góp phần làm giảm sự lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C và một số bệnh xã hội…

Ngành Y tế tỉnh còn tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm HIV tại toàn bộ hệ thống xét nghiệm. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh tổ chức tư vấn dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho hơn 4.000 phụ nữ mang thai khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng cũng được duy trì hiệu quả, góp phần hạn chế sự lây truyền HIV trong cộng đồng.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có thể xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm nhiễm HIV

Vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo bác sĩ Ndong Brưm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và tại Đắk Nông nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp. Dịch HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề đáng quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng. Xu hướng lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục có dấu hiệu gia tăng hơn lây truyền HIV qua tiêm chích ma túy trong những năm gần đây chứng tỏ dịch HIV/AIDS đang có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng.

Vì vậy, công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cần được tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, theo hướng xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt trong cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS, tạo sự lan tỏa. Quan trọng nhất, các cấp ủy, chính quyền phải coi phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả hệ thống chính trị và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng.

Trong số 726 bệnh nhân HIV/AIDS được ghi nhận, các huyện, thành phố có lũy tích nhiễm HIV cao gồm huyện Đắk R’lấp 146 người, huyện Cư Jút 115 người, TP. Gia Nghĩa 99 người và huyện Đắk Song 89 người. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên của toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO