Phòng, chống HIV/AIDS: Toàn xã hội cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ

Vũ Trang| 30/11/2017 09:15

Những năm gần đây, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai quyết liệt nhiều hoạt động, từ tuyên truyền, giáo dục đến can thiệp dự phòng lây nhiễm, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.

ADQuảng cáo

Người dân trên địa bàn xã Quảng Tân (Tuy Đức) tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện

“Phủ sóng” thông tin phòng, chống HIV/AIDS

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hàng năm, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS và ma túy, mại dâm luôn được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng, cán bộ các hội, đoàn thể trên địa bàn. Đội ngũ này bám sát từng địa bàn dân cư, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao để tuyên truyền cách phòng, chống lây nhiễm HIV,  và biết cách đi xét nghiệm...

Trung tâm còn phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, mít tinh và diễu hành quần chúng... nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Tăng Hải Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Thông qua công tác truyền thông, người dân không chỉ được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS mà còn từng bước hạn chế sự kỳ thị với người nhiễm HIV cũng như giảm tình trạng người nhiễm HIV tự kỳ thị với mình. Một khi nhận thức đầy đủ, không còn kỳ thị, người có nguy cơ nhiễm HIV sẽ chủ động đi xét nghiệm”.

Tăng cường các hoạt động can thiệp, dự phòng

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, các hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm tại cộng đồng cũng được chú trọng. Hàng năm, thông qua đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng, ngành Y tế đã tiến hành cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao tại những địa điểm nhạy cảm...

ADQuảng cáo

Hoạt động vẽ biểu đồ điểm nóng nhóm quần thể nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cũng được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đây là phương pháp nhằm xác định vị trí, khu vực hoặc tụ điểm tập trung nhóm đối tượng có hành vi, nguy cơ cao nhiễm HIV; đồng thời, thu thập thông tin và đề ra cách tiếp cận nhóm quần thể có nguy cơ cao tại từng tụ điểm, phục vụ cho việc giám sát trọng điểm lồng ghép với giám sát hành vi nhằm đánh giá chiều hướng và nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng điều tra để triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV phù hợp.

Ngoài ra, các phòng xét nghiệm HIV tự nguyện cũng được thành lập tại trung tâm y tế các huyện, thị xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tiếp cận dịch vụ xét nghiệm. Đối với đối tượng nghiện ma túy, ngành đã thành lập được 1 cơ sở điều trị đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và 4 cơ sở cấp phát thuốc tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô. Chương trình đã tiếp nhận điều trị cho 332 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 22/11/2017, toàn tỉnh phát hiện thêm 41 trường hợp nhiễm mới HIV, giảm 29 trường hợp so với năm 2016. Như vậy, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn là 646 trường hợp; trong đó có 324 trường hợp chuyển sang AIDS, lũy tích tử vong là 210 trường hợp. Lũy tích bệnh nhân được điều trị ARV là 385 trường hợp.

Hiện thực hóa mục tiêu 90-90-90

Mục tiêu 90-90-90 được hiểu là đến năm 2020, có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc đạt được mục tiêu đề ra vẫn không dễ dàng. Sở dĩ như vậy là do công tác quản lý và điều trị cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa đồng đều giữa các địa bàn dân cư. Hầu hết người nhiễm HIV trên địa bàn đều là người có nghề nghiệp tự do, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Một nguyên nhân khác là hiện nay, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV trong xã hội vẫn còn phổ biến.

Theo bác sĩ Tăng Hải Hùng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm, việc cần thiết trước mắt vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ. Cùng với ngành Y tế, các ngành, địa phương và toàn xã hội cũng cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ. Có như vậy, việc phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 mới thực sự hiệu quả, bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống HIV/AIDS: Toàn xã hội cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO