Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Tuy Đức: Cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng

Vũ Trang| 29/05/2017 13:49

Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em, nhưng hiện nay, tình trạng SDD trẻ em trên địa bàn vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

ADQuảng cáo

Nhân viên y tế xã Đắk Ngo (Tuy Đức) tuyên truyền về chương trình làm mẹ an toàn cho phụ nữ có con nhỏ trên địa bàn

Có gì ăn nấy

Mới gần 30 tuổi, nhưng chị Sùng Thị Cú ở bản Sín Chải, xã Đắk Ngo đã có 4 người con. Trong đó, con trai thứ 4 của chị đã gần 2 tuổi, nhưng cân nặng chỉ được hơn 8 kg và cao 70 cm. So với những đứa trẻ bình thường khác, con trai chị bị SDD mức độ 1. Theo chị Cú, đứa con nào cũng vậy, sau khi cai sữa là chị tập cho các cháu ăn cơm. Thế nhưng, do cuộc sống gia đình khó khăn nên chị không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, có gì ăn nấy.

Trong bản Sín Chải, những đứa trẻ bị SDD giống con trai chị Cú khá nhiều. Theo anh Ma Seo Páo, nhân viên y tế, bản Sín Chải có hơn 120 khẩu đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các cặp vợ chồng ở đây đều sinh nhiều con, thậm chí có những gia đình sinh đến 5-7 người con. Con đông, trong khi đời sống kinh tế khó khăn nên việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ không được các gia đình quan tâm.

Anh Páo cho biết: “Mình và cán bộ trạm y tế cũng hay tuyên truyền, vận động bà con về kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống SDD cho trẻ em. Nhưng người dân ở đây, nhất là phụ nữ người Mông rất khó tiếp cận, nhất là khi nhân viên y tế lại là nam giới...”.

Còn “khoán trắng” cho ngành Y tế

Theo chị Phùng Thị Thanh Thủy, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng của Trạm y tế xã Đắk Ngo, toàn xã có 1.365 trẻ dưới 5 tuổi thì có đến 25% trẻ bị SDD thể nhẹ cân và 39% bị SDD thể thấp còi. Hàng quý, trạm đều tổ chức tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn mẫu cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Việc tư vấn, tuyên truyền cho các bà mẹ cũng được thực hiện lồng ghép trong các đợt cân, đo, uống vitamin A và tiêm phòng cho trẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như nhận thức của người dân còn hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, giao thông không thuận lợi..., nên công tác thông tin, tuyên truyền vẫn chưa thực sự sâu rộng.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại xã Đắk Búk So, mặc dù điều kiện kinh tế của người dân khá hơn, nhưng tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao. Chị Trần Thị Hằng, chuyên trách dinh dưỡng của xã cho biết: “Xã có 1.278 trẻ dưới 5 tuổi thì có đến 22,4% trẻ bị SDD thể nhẹ cân và 38% bị SDD thể thấp còi. Hiện nay, trạm vẫn nỗ lực tuyên truyền, vận động cũng như triển khai các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng SDD trẻ em trên địa bàn”.

Theo chị Lục Thị Nghiệp, Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản-phòng, chống SDD (Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức), để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống SDD trẻ em, quan trọng nhất là phải làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và cộng đồng. Tại nhiều địa phương, công tác truyền thông về SDD trẻ em hiện đang “khoán trắng” cho ngành Y tế. Đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở một số thôn, bon cũng vì nhiều lý do như phụ cấp thấp, đảm nhận cùng lúc nhiều chương trình, nên hoạt động thiếu nhiệt tình, linh động.

Cán bộ Trạm y tế xã Đắk Búk So tuyên truyền cho bà mẹ về dinh dưỡng đối với trẻ em

Phải huy động được mọi nguồn lực cùng tham gia

Theo Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức, hiện nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân trên địa bàn chiếm 22,8%, SDD thể thấp còi chiếm 38,22%, còn khá cao so với tỷ lệ chung của tỉnh. Trước thực tế trên, ngành y tế địa phương đã tiến hành điều tra, rà soát lại số liệu dự án cải thiện tình trạng SDD trẻ em trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước củng cố, nâng cao hiệu quả của hoạt động từ huyện đến các thôn, bon.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp như hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ SDD, tư vấn và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ SDD nặng..., ngành tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục tại cộng đồng vì đây là hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân.

Để làm được điều đó, cùng với việc rà soát, kiện toàn lại đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở các thôn, bon, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nội dung và hình thức tuyên truyền sẽ được nghiên cứu đổi mới để ngày càng phong phú, gần gũi như truyền thông trực tiếp về kiến thức dinh dưỡng cho các đối tượng là phụ nữ mang thai và bà mẹ có con nhỏ, tổ chức thực hành dinh dưỡng ngay tại các thôn, bon…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là công tác phòng, chống SDD trẻ em phải trở thành một hoạt động xã hội, huy động được mọi nguồn lực cùng tham gia, với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có như vậy, tình trạng SDD trẻ em trên địa bàn mới từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Tuy Đức: Cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO