Phòng, chống tác hại thuốc lá: Phải thực sự quyết liệt, đồng bộ hơn nữa

Vũ Trang| 31/05/2017 09:18

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Cảnh báo này không chỉ được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn được in ngay trên mỗi bao thuốc. Mặc dù vậy, việc hút thuốc vẫn đang diễn ra phổ biến trong xã hội. Do đó, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

ADQuảng cáo

Ngành Y tế tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Chuyện biết rồi, nhưng vẫn phải nói

Nói đến tác hại của thuốc lá, nhiều người cho rằng đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì không chỉ người hút thuốc lá biết mà hầu như ai cũng biết. Thế nhưng, việc hút thuốc lá vẫn được xem là thói quen trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người.

Hút thuốc lá hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Trung Kiên ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) đã nhiều lần bỏ thuốc, nhưng không thành công. Anh Kiên cho biết: “Đọc báo, xem ti vi cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, chưa kể khi nói chuyện với bạn bè cũng cảm thấy tự ti vì mùi thuốc lá. Bản thân cũng mấy lần bỏ thuốc, nhưng khi nhìn thấy bạn bè phì phèo điếu thuốc lại thấy thèm và hút lại”.

Tương tự, khi được hỏi về việc bỏ thuốc lá, anh Nguyễn Văn Quang ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng nói: “Việc bỏ thuốc lá không hề dễ, nhất là khi nó đã trở thành thói quen. Thêm vào đó, việc bán thuốc lá vẫn còn tràn lan, việc xử phạt chưa quyết liệt nên khó tạo động lực để người hút thuốc lá từ bỏ thói quen có hại cho sức khỏe này”.

Thực tế, mỗi người hút thuốc lá đều có hàng trăm, hàng ngàn lý do để biện minh cho hành vi, thói quen của bản thân. Hình ảnh những người “phì phèo” điếu thuốc lá ở những nơi công cộng có quy định cấm hút thuốc lá cũng còn khá nhiều. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến những người khác khi hít phải thuốc lá thụ động.

Bỏ thuốc lá cần quyết tâm cao

Theo bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cai thuốc lá không phải là việc dễ dàng, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Để làm được điều này đòi hỏi người hút thuốc phải có quyết tâm cao và sự kiên trì.

Đây cũng là kinh nghiệm cai thuốc lá của ông Phạm Đình Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đắk Mil. Ông Sáu đã cai nghiện thuốc lá thành công được 20 năm và hướng dẫn cho nhiều người khác trong vùng từ bỏ việc hút thuốc lá.

ADQuảng cáo

Theo ông Sáu thì ông hút thuốc lá từ khi còn rất trẻ, ban đầu hút ít, sau đó số lượng tăng dần mỗi ngày. Có thời điểm, mỗi ngày ông hút đến 3 gói thuốc lá và hút liên tục như vậy trong suốt 10 năm. Số lượng thuốc lá tăng lên mỗi ngày, đồng thời, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút.

Ông Sáu cho biết: “Tôi bắt đầu thấy bản thân thở khò khè, mệt nhọc hơn. Qua tìm hiểu, tư vấn của bác sĩ, tôi biết khói thuốc lá gây hại rất nhiều cho sức khỏe, nhất là gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, gan, phổi…Tôi cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của bản thân và quyết tâm bỏ hút thuốc lá”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sáu, việc từ bỏ thuốc lá là một quá trình rất khó khăn. Bởi vì, ông đã cai thuốc lá đến 3 lần, mỗi lần duy trì được một khoảng thời gian khá lâu, nhưng vẫn lại tái nghiện. Đến lần thứ 4, ông quyết tâm không để bản thân tái nghiện nữa.

Ông Sáu còn vận động người thân, bạn bè, hàng xóm cùng cai nghiện thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Ông Sáu cho biết thêm: “Người nghiện thuốc lá lâu năm thường rất khó cai nghiện. Không kể hoàn cảnh xung quanh, bạn bè tác động, bản thân người hút cũng thường chịu cảm giác bứt rứt, khó chịu, vấn vương với mùi khói thuốc. Vì vậy, bản thân người cai nghiện phải có quyết tâm cao thì mới thành công được”.

Xây dựng một môi trường sạch, không khói thuốc

Theo Sở Y tế, riêng trong năm 2016, ngoài việc phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành còn tổ chức nhiều buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề về tác hại thuốc lá trong trường học, cơ quan, đơn vị, khách sạn, nhà hàng với 2.700 người tham gia. Ngành cũng cấp phát hơn 500 tấm biển mica và 8 pa nô với nội dung “cấm hút thuốc lá” treo tại các đơn vị y tế và tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá với hơn 1.000 người tham dự…

Tại nhiều cơ quan, đơn vị, nội quy không hút thuốc lá được phổ biến trong các cuộc họp nội bộ. Việc thực thi nghiêm quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc cũng được đẩy mạnh và đưa vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tổ chức lễ phát động “Xây dựng môi trường không khói thuốc lá” nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội về phòng, chống tác hại của thuốc lá, với các hoạt động trọng tâm.

Tuy nhiên, để đẩy lùi thuốc lá ra khỏi cộng đồng cần phải có quá trình dài và sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội. Đặc biệt, bằng những hành động cụ thể, mỗi người dân cần tự giác tham gia vào việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo Ths. bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và hơn 40 chất gây ung thư. Thuốc lá có nguy cơ gây ra ung thư phổi cao gấp 10-20 lần; làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim từ 10-15 lần; gây xơ vữa động mạch cao hơn 1,5-2 lần; có nguy cơ gây tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần…

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được áp dụng kịp thời thì số người tử vong vì thuốc lá sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tác hại thuốc lá: Phải thực sự quyết liệt, đồng bộ hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO