Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam: Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Hoàng Hoài| 27/03/2018 10:28

Phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, 10 năm qua, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần chia sẻ với người nghèo, giúp họ thêm ấm lòng mỗi khi tết đến xuân về.

ADQuảng cáo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng quà cho bà con dịp Tết Mậu Tuất 2018

Nhiều tấm lòng thơm thảo

Công ty TNHH MTV Phượng Chi, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) là một trong những doanh nghiệp địa phương tiêu biểu trong phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do tỉnh phát động.

Hàng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, lãnh đạo công ty thường trực tiếp đứng ra vận động các doanh nghiệp khác cùng phối hợp tổ chức chương trình trao tặng quà tết cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của thị xã Gia Nghĩa.

Trung bình mỗi năm, Công ty tặng trên 300 suất quà, trị giá trên 100 triệu đồng. Số tiền để hỗ trợ người nghèo, ngoài trích một phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, Công ty còn trực tiếp đi vận động, tìm kiếm nguồn lực từ các tổ chức từ thiện tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Không dừng lại ở đó, các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội tại địa phương như xây dựng nhà tình thương; tặng gạo cho các bếp ăn tình thương; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo… cũng được Công ty chú trọng. Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH MTV Phượng Chi hỗ trợ 300 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội của địa phương.

Lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn-Quân cảng Sài Gòn thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết Mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Đắk R'lấp

Với trách nhiệm của một đơn vị kinh tế đứng chân trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Đắk Nông luôn tích cực hưởng ứng, ủng hộ phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" bằng các hình thức khác nhau. Điển hình như ngân hàng tổ chức phát động "Chương trình phúc lộc đầu xuân" và vận động nhân viên, đoàn viên công đoàn tình nguyện đóng góp ngày lương để tổ chức thăm, tặng quà tết cho người nghèo; trích quỹ phúc lợi để tổ chức "Chương trình Tết yêu thương”… Gần 10 năm qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Nông đã hưởng ứng, ủng hộ phong trào trên 810 triệu đồng để phối hợp, tổ chức thăm, trao tặng quà tết cho gần 3.000 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Tương tự, thông qua Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, nhiều cơ quan, đơn vị cũng xây dựng những mô hình, cách làm sáng tạo trong kêu gọi, vận động, tạo được điểm nhấn, trở thành một nét đẹp văn hóa và phong trào truyền thống của mình.

Có thể kể đến như Chương trình “Xuân gắn kết - Tết sẻ chia” (Ban chỉ đạo cấp tỉnh); "Tết Sum vầy” (Liên đoàn Lao động tỉnh); “Công an Đắk Nông chăm lo tết vì người nghèo” (Công an tỉnh); “Tết yêu thương” (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh); Gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân kết hợp phát động phong trào thi đua hưởng ứng hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh); “Tết cho người nghèo” của các ngân hàng đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Các phần quà do Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Đắk Nông hỗ trợ, góp phần giúp người nghèo thêm ấm lòng

Cùng chung sức, phát huy tinh thần trách nhiệm

Theo bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" tỉnh, thực tế thời gian qua, Ban chỉ đạo các cấp đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào, xây dựng các địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp để gửi cho các nhà hảo tâm, đơn vị.

Đặc biệt, hàng năm, khi có kế hoạch đi kêu gọi ủng hộ "Tết vì người nghèo", các thành viên Ban chỉ đạo các cấp không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đi "gõ cửa" từng gia đình, doanh nghiệp để kêu gọi, vận động cũng như tuyên truyền về phong trào với phương châm “xin cho người nghèo, không xin cho mình”. Nhờ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phong trào đã được nâng lên rõ rệt. Đối tượng tham gia đóng góp cho phong trào cũng được mở rộng, đa dạng hơn. Bên cạnh vận động hỗ trợ quà tết, các địa phương còn mở rộng hình thức tặng quà để các nhà hảo tâm lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế của mình như làm nhà tình thương, khám, cấp thuốc miễn phí, tặng bò giống...

Theo đó, qua 10 năm phát động, triển khai phong trào, với nhiều nguồn huy động khác nhau, toàn tỉnh đã có 251.757 lượt hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người có công được tặng quà tết với tổng trị giá trên 72,3 tỷ đồng. Ngoài ra, các đoàn còn tặng 26.699 bộ quần áo, 600 chiếc chăn len, áo ấm, 8 sổ tiết kiệm; xây dựng 30 nhà chữ thập đỏ; gần 15.264 lượt người được khám, chữa bệnh nhân đạo... với số tiền trên 10,3 tỷ đồng. 

Đại diện Sacombank chi nhánh Đắk Nông trao quà cho bà con dịp Tết Mậu Tuất 2018

Bà Trần Thị Tuyết khẳng định: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" là phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành công của phong trào, ngoài sự nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo thì cần phải nói đến sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu tỉnh. Chính sự chung sức, tinh thần trách nhiệm cao của những người đứng đầu đã góp phần không nhỏ đưa phong trào đạt được kết quả cao, giúp tất cả người nghèo đều được nhận những món quà ý nghĩa để vui xuân đón tết cổ truyền đầm ấm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam: Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO