Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”: Duy trì sự hứng khởi, lan tỏa và thiết thực

Vũ Trang| 01/10/2018 10:14

Những năm qua, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai sâu rộng trong cả nước, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua thực hiện phong trào, đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

ADQuảng cáo

Phong trào thể thao quần chúng tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luôn được duy trì.  (Ảnh: Hoạt động thi đấu tại Giải bóng chuyền xã Đắk Nia năm 2018). Ảnh:  Q.S

Thấm sâu vào từng lĩnh vực xã hội

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao-Du lịch tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018, thời gian qua, phong trào đã từng bước đi vào cuộc sống, thấm sâu vào từng lĩnh vực xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, linh hoạt, phong trào không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, chủ trương mà đã thực sự trở thành cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng và thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều nội dung của phong trào được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Đặc biệt, thông qua các nội dung hoạt động của phong trào, người dân và các tổ chức đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với đất nước. Phong trào cũng góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Qua quá trình triển khai phong trào, nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay, hiệu quả được nghiên cứu, học tập và nhân rộng. Trong giai đoạn 2000-2018, cả nước có hơn 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt được tôn vinh; hơn 19 triệu gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 69.024 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa... Tiêu biểu như ông Lý Dào Lấy ở xã Thuận Hà (Đắk Song) hiến 400m2 đất làm hội trường bản Đầm Giỏ; gia đình anh Điểu Niên ở bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) hiến 600m2 đất xây dựng cột mốc biên giới; anh Nguyễn Trương Minh Tiến ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) được mệnh danh là “Hiệp sĩ đường phố" có trên 600 lần dũng cảm truy bắt cướp…

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cũng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, cả nước có 647/713 quận, huyện, 6.997/10.878 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao hoặc nhà văn hóa; 73.748/109.727 thôn, buôn, bản có nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa… Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế và đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong xã hội... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, đạo đức, gia phong của dòng tộc, làng xã được giữ gìn và trao truyền.

Cần quan tâm đến vấn đề căn cốt của văn hóa  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018 trong những năm qua cũng còn không ít hạn chế, cần được thẳng thắn nhìn nhận để thúc đẩy phong trào lên một tầm cao mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, các phong trào liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới chỉ chủ yếu và chú ý đầu tư vật chất, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề căn cốt của văn hóa. Danh hiệu gia đình, thôn ấp, cơ quan văn hóa nhiều hơn và trở thành hình thức. Không ít địa phương báo cáo thành tích trong việc xây dựng gia đình, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa đạt được với tỷ lệ rất cao. Song trên thực tế, chất lượng phong trào còn thấp, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị mai một.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần duy trì được sự hứng khởi, sự lan tỏa và tính thiết thực như những năm đầu, đáp ứng cho được, cho kịp yêu cầu phát triển của kinh tế, xã hội”.

Một thực tế nữa là hiện nay, tại các địa bàn dân cư, nhiều phong trào, cuộc vận động được triển khai gây chồng chéo, trùng lặp. Trên cùng địa bàn dân cư, cùng đối tượng, nội dung, tiêu chí nhưng có nhiều danh hiệu thi đua với tên gọi khác nhau nên khó khăn trong bình xét, công nhận, làm giảm động lực thi đua. Đơn cử, trên địa bàn cấp xã cùng một thời điểm, cùng một đối tượng vận động là cá nhân, hộ gia đình nhưng phải tiến hành bình xét, đề nghị công nhận các danh hiệu khác nhau của nhiều phong trào như: “Gia đình văn hóa”, “Gia đình kiểu mẫu”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”…

Trước thực tế đó, trong thời gian tới, một trong những giải pháp trọng tâm của phong trào là tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định về xét tặng danh hiệu gia đình, thôn, làng, ấp văn hóa... nhằm đưa việc bình xét, khen tặng và tôn vinh các danh hiệu văn hóa một cách xứng đáng và chất lượng. Trong đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét cần bảo đảm tính dễ nhớ, dễ thực hiện, có chiều sâu, bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động phải tiếp tục được đẩy mạnh, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó góp phần tiếp tục tạo sự lan tỏa, thu hút của phong trào trong cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”: Duy trì sự hứng khởi, lan tỏa và thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO