Rà soát cẩn trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau!"

Vũ Trang| 22/04/2020 15:31

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần tích cực, khẩn trương, những ngày gần đây, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

ADQuảng cáo

Cán bộ cơ sở phát huy trách nhiệm

Tại TP. Gia Nghĩa, ngay sau khi UBND TP. Gia Nghĩa có văn bản chỉ đạo, các phường, xã đã nhanh chóng họp để triển khai khảo sát, thu thập thông tin về các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, UBND các phường, xã cung cấp tờ khai và tổ chức hướng dẫn cho tổ trưởng các tổ dân phố về cách thức rà soát, thống kê, lập danh sách người dân.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, các phường, xã không tổ chức tập huấn chung một lần cho tất cả các tổ trưởng tổ dân phố, mà chủ động chia làm nhiều đợt, với số lượng người tham gia ít, đồng thời, thực hiện tư vấn, hướng dẫn trực tiếp qua điện thoại. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai thông qua loa phát thanh lưu động để người dân biết thông tin về chính sách.

Với tinh thần tương ái, nhiều tổ chức, đoàn thể ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) đã vào cuộc hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn

Ông Trịnh Văn Định, Tổ trưởng Tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức cho biết: “Nhận được thông tin, ngay trong ngày, tôi đã đi đến từng hộ gia đình trong khu dân cư mình phụ trách để rà soát, lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện, người dân thắc mắc đến đâu, tôi tư vấn ngay đến đó, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, bảo đảm thông tin chính xác, đầy đủ”.

Cũng theo ông Định, tâm lý chung của người dân hiện nay đều rất mong chờ gói hỗ trợ này. Trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh covid-19, chính sách hỗ trợ của Chính phủ nói chung cũng như địa phương nói riêng đã góp phần chia sẻ, động viên người dân vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Loan ở phường Nghĩa Đức chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , những người lao động đang mất việc làm như tôi gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi được biết thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, gia đình tôi rất vui. Cho dù số tiền hỗ trợ nhiều hay ít, người dân chúng tôi cũng rất phấn khởi vì cảm thấy được chia sẻ, động viên trong hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là động lực để mỗi người dân cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định đời sống”.

ADQuảng cáo

Bảo đảm công khai, minh bạch và đúng đối tượng

Cùng với việc tăng cường rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng thì làm thế nào để gói hỗ trợ này thực sự phát huy hiệu quả và tính nhân văn, đến được đúng người, bảo đảm công bằng và minh bạch là vấn đề đang được xã hội cũng như các địa phương quan tâm.

Ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung cho biết: “Khi triển khai chính sách này, chúng tôi mừng lắm,  nhưng vừa  phấn khởi, vừa lo lắng. Phấn khởi vì chính sách được ban hành vào thời điểm này là vô cùng kịp thời, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân. Nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng vì trong quá trình thực hiện, có nhiều khó khăn cần được tính toán, cân nhắc, nhất là việc rà soát đối tượng phải thật kỹ lưỡng, cẩn trọng để tránh sai sót, gây dư luận xấu và mất niềm tin trong dân”.

Theo ông Luyện, không riêng phường Nghĩa Trung mà hầu hết các địa phương khác đều đang gặp khó khăn trong công tác rà soát, thống kê đối tượng thụ hưởng vì đến thời điểm hiện nay, Trung ương vẫn chưa ban hành quy định cụ thể về hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là đối với 2 nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Thực tế cho thấy, việc quản lý các đối tượng lao động tự do hiện nay không đơn giản, bởi có tình trạng khá phổ biến là người lao động khai báo hộ khẩu cư trú một nơi nhưng lại đi làm ở nơi khác. Bên cạnh đó, một người có thể rơi vào nhiều đối tượng, ví dụ như một người thuộc diện hộ nghèo nhưng có thể cũng được hưởng bảo trợ xã hội,  hoặc người có công nhưng họ còn là hộ kinh doanh buôn bán hay là lao động tự do…

Tuy nhiên, trong khi chờ các văn bản hướng dẫn, địa phương vẫn triển khai rà soát, thống kê trên tinh thần hạn chế tối đa sai sót.  Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ, phường Nghĩa Trung đã thống kê, lập danh sách hơn 600 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm đang cư trú hợp pháp trên địa bàn.

Trước thực tế trên, hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch giám sát song song với việc rà soát nhằm hạn chế tối đa tiêu cực và những hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách. Qua tìm hiểu thì hầu hết các địa phương đều cho rằng, để hoạt động giám sát được thực hiện một cách hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và trách nhiệm của từng người dân. Bên cạnh đó, danh sách các đối tượng được thụ hưởng chính sách phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, phường, hội trường hoặc nhà văn hóa cộng đồng của thôn, bon, tổ dân phố...

Có thể nói, trong khi công tác chống dịch còn nhiều gian nan, nhịp sống trong thời giãn cách xã hội có thể chậm lại, nhưng những quyết sách an sinh xã hội cần tiếp tục được tăng tốc, triển khai quyết liệt và hiệu quả để góp phần giúp người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát cẩn trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO