Sân chơi an toàn cho trẻ em vùng sâu: Cần sự chung tay của cộng đồng

Thanh Hằng| 09/08/2022 09:13

Kỳ nghỉ hè của phần lớn trẻ em thường gắn liền với hoạt động văn nghệ, thể thao, trải nghiệm. Thế nhưng, ở một số khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại đang thiếu những sân chơi dành cho lứa tuổi này.

ADQuảng cáo

Thiếu sân chơi an toàn

Ao nước nhỏ, xung quanh mọc đầy cỏ gai nằm tại thôn 5, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) là nơi mà các em nhỏ đồng bào Mông thường tụ tập câu cá ngày hè. Nhiều em mới chỉ 5, 6 tuổi, mặt mũi lấm lem theo anh chị đi câu cá. Với các em, đi câu không đơn thuần là đi chơi và “giải trí” mà nhiều em còn dựa vào đó để kiếm thực phẩm cho bữa cơm hàng ngày.

Em Vàng Xuân Ha ở thôn 5, xã Đắk R’măng cho biết: nếu không phải ở nhà chăm em hay theo bố mẹ lên rẫy, đi câu cá thì nhiều đứa trẻ trong thôn tự rủ nhau vào rừng hái măng. Những ngày thời tiết thuận lợi, mỗi em có thể hái được khoảng 15-17 kg măng, mang lại thu nhập khoảng 90.000 đồng. Công việc hái măng dù vất vả so với độ tuổi, phải đi bộ và luồn lách vào bụi rậm cả ngày nhưng nhiều em lấy đó làm niềm vui vì có thêm thu nhập.

Cũng tại xã Đắk R’măng, giữa cái nắng gay gắt của ngày hè, không mũ nón, giày dép, nhiều trẻ em đủ mọi lứa tuổi tụ tập chơi đuổi bắt, nghịch đất ngay tại một bãi đất trống nằm giữa thôn 5.

Em Vàng Minh Phi ở thôn 6, xã Đắk R’măng cho hay: “Sau khi đi rừng hái măng về, chúng em thường tập trung tại sân cỏ này để giải trí. Không có nhiều trò chơi như ở những nơi khác, chúng em thường chơi đánh cù, đu quay hoặc trốn tìm… Chơi xong, nếu nóng quá thì xuống suối tắm cho mát rồi mới về nhà”.

Trẻ em nhảy xuống hồ nước tắm ngay sau khi kết thúc buổi câu cá

Quan tâm hơn nữa với trẻ vùng sâu

ADQuảng cáo

Không chỉ riêng ở Đắk R’măng, hiện nay nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu những sân chơi an toàn và trò chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ đối diện với tai nạn thương tích như gãy tay, gãy chân, đuối nước hoặc thậm chí là bị xâm hại tình dục…

Theo thống kê của Sở LÐTB-XH, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra gần 100 vụ tai nạn thương tích trẻ em làm 70 trẻ em bị thương và 31 em tử vong. Trong đó, 90,9% trẻ em tử vong do đuối nước. Còn theo số liệu cung cấp từ Công an tỉnh Ðắk Nông, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 28 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Tất cả các nạn nhân bị tai nạn thương tích, tử vong, xâm hại tình dục đã được các cơ quan, ban, ngành đoàn thể thăm hỏi, động viên hỗ trợ, theo dõi. Thế nhưng rõ ràng đây sẽ là những vết sẹo không thể lành trong quá trình trưởng thành, phát triển của trẻ.

Xác định việc đầu tư xây dựng sân chơi, hay tạo ra các hoạt động hè an toàn, để trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh trong những ngày hè, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, theo Sở LĐTB-XH, hiện nay hầu hết các huyện, thành phố bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất ít hoặc không có nên việc triển khai công tác trẻ em tại các địa phương còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các địa phương còn thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em trong các dịp hè nên tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các loại tai nạn thương tích khác.

Thanh niên tình nguyện về xã Đắk Som để dạy trẻ em sử dụng máy tính

Tại buổi phát động “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2022, Bộ LĐTB-XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ VHTT-DL và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó, điều cấp bách trước hết là tập trung đầu tư cho những trẻ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất nhằm tạo ra một thế giới khác biệt cho trẻ em và "đưa tuổi thơ của trẻ em trở lại đúng quỹ đạo".

Hưởng ứng lời kêu gọi này, Tỉnh đoàn Đắk Nông đã tổ chức Lễ ra quân Cao điểm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh Đắk Nông năm 2022. Chiến dịch được tổ chức rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đến nay, có khoảng 7.500 đoàn viên, thanh niên (gồm cả sinh viên tình nguyện từ các trường cao đẳng, đại học) đã tổ chức các hoạt động thiết thực như: ôn tập văn hóa, tặng quà, học bổng, tổ chức khám bệnh, xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em của tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi an toàn cho trẻ em vùng sâu: Cần sự chung tay của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO