Sân chơi giúp đồng bào quảng bá, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo

Mỹ Hằng| 29/08/2019 08:17

Thời gian qua, tại các liên hoan, hội diễn văn nghệ do tỉnh, các địa phương tổ chức, văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa luôn là đề tài phong phú được khai thác một cách triệt để.

ADQuảng cáo

Chính sự mộc mạc, bình dị trong lối diễn xuất đã mang đến nhiều thú vị cho người xem và trên hết là chuyển tải, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống đến với cộng đồng.

Các tiết mục văn nghệ đều mang đậm nét bản sắc các dân tộc

Điển hình tại Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Đắk Nông lần thứ VII năm 2019 do UBND tỉnh vừa tổ chức mới đây, hầu hết các đơn vị tham gia đều chủ động lựa chọn nghệ nhân, diễn viên từ cơ sở để tham gia, trình diễn những tiết mục đã dàn dựng. Trong đó, các đoàn tập trung vào các tiết mục giới thiệu về nét đẹp, bản sắc văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Tày, Nùng, Thái…

Một số tác phẩm nổi bật làm sống động sân khấu và cuốn hút người xem như hòa tấu “Thanh âm cao nguyên” của các nghệ nhân trẻ ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô); hòa tấu chiêng, đàn đá “Pích tơ trơ”, múa “Gọi tên đại ngàn” của các nghệ nhân bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức); “Đàn Tính hát Then” của người Tày ở xã Đắk D’rông (Cư Jút)...

Với các nhạc cụ hết sức quen thuộc như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng, Đinh Năm, sáo…nhưng các đoàn đã mang đến liên hoan những tiết mục thật đặc sắc mang đậm hơi thở của dân tộc mình. Đơn cử như tiết mục hòa tấu cồng chiêng, đàn đá “Pích tơ trơ” đã làm không khí sân khấu như lắng lại. Ai cũng chăm chú theo dõi từng động tác diễn tấu của các nghệ nhân. Tiết mục “Đàn Tính hát Then” đã đưa khán giả đến với bản sắc văn hóa của dân tộc phía Bắc.

Tiết mục "Đàn Tính hát Then" của đoàn văn nghệ quần chúng Cư Jút

Các nghệ nhân Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) lại mang đến liên hoan tiết mục hát dân ca “Bến nước buôn DurKmăn”… Tiếng Đinh Năm, tiếng bè đệm kết hợp với những ca từ hết sức ngọt ngào khiến ai cũng trầm trồ, thán phục. Tiết mục kết thúc, những tràng pháo tay giòn dã vang lên và đó chính là phần thưởng tinh thần hết sức to lớn để các nghệ nhân thể hiện hết năng lực của mình.

ADQuảng cáo

Điều đáng ghi nhận dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, các nghệ nhân đã hòa mình vào từng điệu múa, bài chiêng, từng nhạc cụ để có thể mang đến liên hoan những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm hơi thở cuộc sống của chính dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Sim ở buôn Nui cho hay: “Văn hóa truyền thống của người Ê đê rất đặc sắc và chính các hội diễn, liên hoan văn nghệ như thế này là cơ hội để chúng tôi giới thiệu với các dân tộc anh em khác. Với bài dân ca “Bến nước buôn DurKmăn” giới thiệu tại liên hoan, thấy mọi người ai cũng hứng khởi đón nhận, chúng tôi vui và hãnh diện lắm”.

Hòa tầu cồng chiêng, đàn đá của các nghệ nhân đến từ bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức)

Ông Trương Quang Tráng-cán bộ văn hóa xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cho biết: “Sau khi nắm kế hoạch cũng như nội quy của liên hoan, địa phương đã lên ý tưởng và mời các nghệ nhân bon Điêng Đu luyện tập, dàn dựng tiết mục “Hòa tấu chiêng, đàn đá” của người M’nông để mang đi tham dự liên hoan. Đây là một sân chơi và cũng là nơi để đồng bào quảng bá, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình”.  

Có thể thấy, bằng tâm huyết của các cán bộ văn hóa địa phương cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của các diễn viên, nghệ nhân, các tiết mục trình diễn tại Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh đã ngày càng lôi cuốn, hấp dẫn, mang tính nghệ thuật cao. Hơn trên hết, qua các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, đặc sắc, đồng bào đã góp phần thể hiện nét đẹp, văn hóa truyền thống của quê hương, vùng đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên với tất cả niềm tự hào, kiêu hãnh. Nói một cách khác, văn hóa truyền thống không những vẫn được gìn giữ, bảo tồn dưới nhiều góc độ khác nhau mà còn ngày càng phát huy, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chính sự mộc mạc trong lối diễn đã thu hút khán giả

Văn nghệ quần chúng không chỉ là món ăn tinh thần của người dân mà còn góp phần tích cực vào việc duy trì, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua mỗi kỳ tổ chức liên hoan, chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển cũng như có thể phát hiện những nhân tố mới bổ sung vào nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi giúp đồng bào quảng bá, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO