Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

Vũ Trang| 13/03/2019 09:20

Thời gian qua, với việc tỉnh Đắk Nông triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với các thông tin, dịch vụ về tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

ADQuảng cáo

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Ảnh: Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Giảm tỷ lệ bệnh tật bẩm sinh

Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tại Đắk Nông, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” bắt đầu được triển khai từ năm 2013 tại 4 địa phương đầu tiên là Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa và từ năm 2015 nhân rộng tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 7 Trung tâm y tế huyện đều thực hiện được kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đây là một trong những đề án quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số.

Theo đó, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt, sử dụng các biện pháp khác nhau và quãng thời gian làm xét nghiệm cũng khác nhau. Quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa giúp phát hiện sớm các bệnh down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim...

Còn quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện nhằm phát hiện sớm dị tật bẩm sinh. Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra để phát hiện các bệnh: Thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh; tăng sản thượng thận bẩm sinh gây bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính…

Để giúp người dân tiếp cận với các thông tin cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn với nhiều hình thức phong phú. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; trong đó chú trọng đến phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền...

ADQuảng cáo

Cùng với công tác truyền thông, việc tập huấn kiến thức, kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các bác sĩ, nữ hộ sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn cũng được chú trọng.

Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 8.369 trẻ được sinh ra; trong đó có 2.760 trẻ được sàng lọc sơ sinh, chỉ chiếm khoảng 33%. Số phụ nữ mang thai trong năm là 12.478 người; trong đó có 8.186 phụ nữ được thực hiện sàng lọc trước sinh, chiếm 65,6%.

Hướng đến mục tiêu 90% trẻ em sơ sinh được tầm soát

Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án gặp không ít khó khăn do một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa về khám sàng lọc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại…

Hàng năm, số trẻ em sinh ra được sàng lọc còn ít so với thực tế. Để nâng cao chất lượng giống nòi, Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến năm 2020: 70% phụ nữ mang thai và bà mẹ sơ sinh được sàng lọc trước sinh và sơ sinh; 90% trẻ em sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhằm khắc phục sớm thực trạng trẻ mắc dị tật bẩm sinh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm vẫn là công tác truyền thông, tư vấn tại cộng đồng. Các hình thức truyền thông sẽ được thực hiện một cách đa dạng, linh hoạt như tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, áp phích, phát thanh… để người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai biết và  chủ động tham gia thực hiện. Các hoạt động của Đề án cũng sẽ được kết hợp chặt chẽ với hoạt động của 2 đề án liên quan là “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” và “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”.

Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ mang thai trên địa bàn được khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Góp phần nâng cao chất lượng dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO