Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 102 của Chính phủ: Công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người có sự chuyển biến tích cực

Mỹ Hằng| 08/05/2019 08:44

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Đắk Nông đã có bước chuyển biến tích cực trong mọi tầng lớp Nhân dân.

ADQuảng cáo

Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa được tổ chức

Nâng cao nhận thức và hành động

Xác định tầm quan trọng của nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1750 và kế hoạch triển khai Chương trình số 31-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, ngành Văn hóa tỉnh đã triển khai các nội dung theo tinh thần của nghị quyết và đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Theo đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng được chú trọng. Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chiếu phim lưu động, tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú…

Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao

Cùng với đó, để việc thực hiện nghị quyết lan tỏa sâu rộng, ngành Văn hóa còn phối hợp với các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ, tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động văn hóa nghệ thuật…Thông qua các cuộc thi, hội diễn đã tìm ra được những nhân tố mới làm lực lượng kế cận và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Khơi dậy bản sắc văn hóa các dân tộc

ADQuảng cáo

Dưới sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, sau 5 năm triển khai nghị quyết đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác bảo tồn, sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh đã sưu tầm được trên 3.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa dân tộc, khảo cổ học; xây dựng 7 bộ sưu tập hiện vật văn hóa dân tộc có giá trị lịch sử và thẩm mỹ như bộ đàn đá Đắk Kar, bộ đàn đá Đắk Sơn và các bộ sưu tập của các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê…

Các giải thể thao mang tầm quốc gia cũng được tỉnh đăng cai tổ chức thường xuyên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân

Hiện nay, toàn tỉnh có 42 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân Nhân dân” vì đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể…

Đặc biệt, tỉnh cũng đã mua 150 bộ chiêng, 15 bộ goong, 384 bộ trang phục của người M’nông, Ê đê, 232 đai chít đầu, 184 bộ nhạc cụ… để cấp cho cơ sở bảo quản và trình diễn. Dựa trên các chất liệu dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 20 tác phẩm âm nhạc- múa đậm nét văn hóa Đắk Nông. Ngoài ra, một số hoạt động du lịch, xã hội hóa thể thao… cũng dần đi vào cuộc sống, có bước phát triển.

Chỉ tính riêng từ năm 2014-2018, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 buổi văn nghệ phục vụ người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ được xem các chương trình văn nghệ, người dân còn được học hỏi, trao đổi thêm nhiều kiến thức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình… Qua đó, nhận thức hành động trong cán bộ, đảng viên và người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực  xây dựng lối sống văn hóa, nhân ái nghĩa tình.

Theo đánh giá, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 102 của Chính phủ, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Đắk Nông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Văn hóa truyền thống được coi trọng và khơi dậy, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, phát huy. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân cũng được nâng lên.

Cấp ủy, chính quyền, xã hội đã nhận thức khá đầy đủ tầm quan trọng, vai trò của lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân yên tâm sản xuất, tăng cường mối đoàn kết dân tộc, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 102 của Chính phủ: Công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người có sự chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO