Sống động nhịp chày giã gạo

Mỹ Hằng| 10/09/2019 09:47

Tại các hội xuân đầu năm và Ngày hội văn hóa các dân tộc do các địa phương tổ chức, phần thi “giã gạo nấu cơm nhanh” luôn thu hút phụ nữ các dân tộc thiểu số tham gia. Tiếng “bịch bong”- âm thanh của nhịp chày giã gạo đã làm nên nét văn hóa đặc sắc, thu hút người xem.

ADQuảng cáo

Trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê nói riêng, từ xa xưa, chiếc cối giã gạo là vật dụng không thể thiếu trong các gia đình. Không biết chính xác từ bao giờ, nhưng từ đời này truyền đời khác, chiếc cối giã gạo đã gắn liền với đời sống của đồng bào. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, hầu như gia đình nào cũng có chiếc cối giã gạo và việc giã gạo nấu cơm cho các thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ đảm nhận.

Nhịp chày giã gạo trở thành nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê

Sau một ngày lên nương rẫy, các chị, các mẹ lại giã gạo nấu cơm cho cả gia đình. Khi giã gạo, người phụ nữ thường đứng chụm hai bàn chân khít vào nhau, khi nện chày xuống thì lưng người gập theo, khi rút chày lên thì hít hơi lấy sức, thót bụng lại và ngực ưỡn ra trước. Chính điều này tạo nên tư thế nhún nhảy, điệu đà thật đẹp mắt.

Nhìn chung, mỗi bộ cối giã gạo của đồng bào gồm có chày và cối. Cối có chiều cao từ 40-50 cm được đục đẽo ở giữa tạo nên lòng cối. Nguyên liệu chủ yếu được làm từ cây lộc vừng cạn-một loại cây mọc trong rừng, khi cây còn tươi thì gỗ rất dẻo, khi khô thì cứng như đá nên rất khó vỡ, nứt nẻ. Mỗi chiếc cối có chiều cao, độ sâu và rộng phụ thuộc vào ý muốn của gia chủ. Phía ngoài thường được bào nhẵn, đôi khi cũng được đục đẽo thêm các hoa văn, họa tiết. Mỗi cối có hai chiếc chày, được làm bằng gỗ cây kơnia hoặc gỗ hương, dài chừng 1,5m và chày to hay nhỏ tùy thuộc vào tay cầm của người sử dụng. Giữa thân chày có khắc sâu thêm vài vòng tròn để khi cầm không bị trơn.

ADQuảng cáo

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay và máy xay xát lúa đã có mặt khắp các bon làng nên cối giã gạo không còn sử dụng nhiều như trước nữa. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn trân quý, cất giữ những chiếc cối, chiếc chày vào một góc nhà để lưu giữ kỷ vật, thi thoảng mang ra giã gạo, chế biến một số món ăn truyền thống của dân tộc mình, hoặc tham gia các cuộc thi ẩm thực dân gian.

Bà H’Bạch ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Gia đình tôi có 2 cái cối giã gạo, từ ngày có máy xay xát thì hầu như không dùng đến nữa. Thi thoảng nhớ âm thanh, nhịp chày, gia đình tôi lại lấy ra giã gạo, làm bánh, dù mệt nhưng cảm thấy rất vui”.

Ông K’măng ở cùng bon cũng cho hay: “Chiếc chày, chiếc cối là đặc trưng riêng của người Tây Nguyên nói chung và người Mạ nói riêng. Hồi tôi mới cưới vợ, của hồi môn mà cha mẹ cho vợ chồng tôi là một bộ chày cối và hiện nay gia đình tôi vẫn còn cất giữ”

Theo một số bà con, nhịp chày giã gạo không chỉ đơn thuần là động tác lao động tạo ra hạt gạo lo cho bữa ăn của mỗi gia đình hàng ngày, mà nó còn thể hiện sự no ấm, sung túc của bon làng. Ngày trước, bon làng nào có nhiều chày cối, phụ nữ hàng ngày vui với nhịp chày thì cuộc sống no đủ, ai nấy chăm lo làm ăn, đoàn kết. Đặc biệt, vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào ở nhiều bon làng thường giã gạo, cung cấp lương thực cho bộ đội đánh giặc thì tiếng chày vang lên nhộn nhịp, suốt ngày đêm, thể hiện tình đoàn kết quân dân, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam.

Có lẽ cũng với ý nghĩa hết sức nhân văn đó, nên cho dù cuộc sống ngày nay có nhiều đổi thay, nhưng nhịp chày giã gạo vẫn là âm thanh sống động, đi cùng với cồng chiêng, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống động nhịp chày giã gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO