Sống mãi hào khí Điện Biên!

Hoàng Hoài| 12/05/2017 15:30

Chương trình gặp mặt giao lưu với chủ đề “Điện Biên - Bản anh hùng ca bất diệt” giữa hai thế hệ gồm 83 cựu chiến binh (CCB) tham gia kháng chiến chống Pháp và đoàn viên, thanh niên tỉnh Đắk Nông do Hội CCB tỉnh và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức mới đây đã để lại nhiều bài học sâu sắc về đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cho tuổi trẻ hôm nay.

ADQuảng cáo

Hai thế hệ chia sẻ về tuổi trẻ xưa và nay

Một thời sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Đúng 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, hoàn toàn làm chủ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Đây cũng là thời khắc mà 63 năm qua, CCB Nguyễn Văn Bích, từng tham gia kháng chiến chống Pháp, hiện ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) không bao giờ quên. Câu chuyện của ông kể về những người lính kéo pháo, rồi đào giao thông hào để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã khơi dậy trong giới trẻ tinh thần tự hào dân tộc, trân trọng, cảm phục về sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Trong sự xúc động sâu sắc khi gặp lại đồng chí đồng đội, gặp những thế hệ thanh niên kế cận, ông Bích kể lại chuỗi thời gian tham gia chống Pháp xâm lược.

Ông Bích tâm sự: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh em chúng tôi ai cũng khắc cốt ghi tâm, nhắc nhở, động viên nhau quyết tâm kéo pháo vào trận địa. Chưa kể lương thực, quân tư trang, mỗi khẩu pháo rất nặng, hơn trọng lượng hàng trăm người cộng lại. Nhưng gan chúng tôi không núng, chí không mòn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để kéo pháo vào trận địa. Chúng tôi hành quân 43 đêm ròng rã, không đêm nào được nghỉ, một đêm phải đi từ 30-40 cây số. Nhá nhem tối là bắt đầu đi và đến nhá nhem sáng mới dừng chân nghỉ chốc lát. Chúng tôi về đến Điện Biên chủ yếu là đào giao thông hào, công sự. Mỗi một đêm, 1 tiểu đội có 10 người, phải đào 20m chiều dài, 1,2m bề ngang và sâu 1,4m… Đào xong thì mới về, còn không xong, người khỏe giúp người yếu để làm cho xong. Khó khăn, nguy hiểm là thế, song với tinh thần lạc quan của người lính Cụ Hồ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn kiên trung, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Chúng tôi nhớ nhất khi đang đánh nhau, Bác Hồ có cho người đến nói, mỗi đồng chí ở Điện Biên này là một chiến sĩ cán bộ ngoại giao của Hiệp định Giơnevơ. Lúc đấy, chúng tôi phấn khởi lắm. Mà bộ đội ngày xưa nói thật không có sợ chết gì đâu, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng quyết tử vì Tổ quốc.

Ngay từ năm 13 tuổi, CCB Nguyễn Văn Khoán ở xã Nam Dong (Chư Jút) đã tham gia du kích, hoạt động cách mạng. Bởi ngay từ nhỏ, ông đã thấm nhuần thế nào là yêu nước, vì trong gia đình ông, ai cũng làm cách mạng. Bố mẹ nuôi quân, nuôi cán bộ hoạt động; anh trai cũng hoạt động cách mạng và bị địch giết ngay trong nhà. Từ việc làm đó của các thành viên trong gia đình đã nung nấu trong ông lòng căm thù giặc sâu sắc.

ADQuảng cáo

Ông Khoán bùi ngùi: "Hình ảnh người anh trai bị địch giết đã sống đi sống lại trong suy nghĩ của tôi rất nhiều. Càng suy nghĩ, tôi càng hiểu vì sao anh mình chết, để rồi quyết tâm đi du kích, tham gia kháng chiến chống Pháp”.

Điều đáng trân trọng, khi trở về đời thường, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ông Khoán càng nêu cao ý chí, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Ông là một trong những điển hình của xã Nam Dong trong công tác xã hội như hiến đất làm đường giao thông, mua máy điện châm tặng trạm y tế…

Tiếp tục thắp lên ngọn lửa cách mạng

Có thể nói, mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời của những CCB chống Pháp năm xưa đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về gian khổ, khó khăn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà thế hệ đi trước đã thực hiện. Đây cũng là cơ hội, để thế hệ trẻ tỉnh nhà nhìn nhận lại và tự trả lời câu hỏi mình đã làm được gì cho Tổ quốc hôm nay để xứng đáng với những hy sinh của cha anh đi trước.

Bạn H’Loan, công tác Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cho biết: “Qua câu chuyện của các bác, những nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, tôi mới thấm thía, mới hiểu thế nào là hy sinh, thế nào là trách nhiệm. Cuộc trò chuyện đã tiếp thêm động lực cho những người trẻ chúng tôi dám cống hiến, xông xáo trong mọi hoạt động, làm tròn trách nhiệm của người đoàn viên, thanh niên, xứng đáng là thế hệ kế cận của lớp cha anh đi trước”.

Bạn Cẩm Trang, đoàn viên thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh nói: “Qua câu chuyện về tuổi trẻ của các bác, tôi nhận thấy rằng, thề hệ trẻ hôm nay cần phải nỗ lực cố gắng để tiếp tục thắp lên ngọn lửa cách mạng. Để làm được điều này, chúng tôi phải phấn đấu để trở thành công dân tốt, đoàn viên tốt, tấm gương tốt của thiếu niên nhi đồng. Bản thân tôi nghĩ rằng, khi một người đoàn viên làm được điều đó, cũng có nghĩa là đoàn viên, thanh niên đang giữ vững và phát huy truyền thống, tinh thần chiến thắng Điện Biên trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau”.

Phát biểu tại chương trình gặp mặt, giao lưu “Điện biên- Bản anh hùng ca bất diệt”, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kêu gọi CCB, cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân các dân tộc phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, tiếp tục đồng tâm hiệp lực, tranh thủ vận hội, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lời kêu gọi này cũng chính là lời nhắc nhở để các thế hệ nối tiếp nhau tiếp tục phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, xưa anh dũng kiên trung nay dám xông pha, vượt khó để xây dựng quê hương giàu mạnh, làm sống mãi hào khí Điện Biên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi hào khí Điện Biên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO