Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, tốt đời đẹp đạo

Bài, ảnh: Hoàng Bảo| 24/12/2018 11:15

Thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã cụ thể hóa thành phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, với nhiều việc làm thiết thực, cụ thể.

ADQuảng cáo

Nhiều nữ thanh niên dân tộc thiểu số khó khăn ở Tuy Đức đã được các sơ dạy nghề may

Một trong những việc được chú trọng thực hiện đầu tiên đó chính là phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bà con giáo dân luôn tích cực, sáng tạo, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều gia đình giáo dân đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để ngày càng nâng cao đời sống.

Điển hình như giáo dân Nguyễn Thị Hằng ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), trải qua nhiều biến cố của cuộc sống, chị đều nhắc nhở bản thân sống ngày nào là phải có ích ngày đó. Đến nay, ngoài kinh doanh cà phê mang lại lợi nhuận cao, chị Hằng còn phát triển thành công hơn 10 ha cao su, nuôi thêm chim yến nhằm tăng nguồn thu cho gia đình, tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội.

Hay giáo dân Lê Tiến Phương ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) bằng việc mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình VAC, đến nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhiều giáo dân tại huyện Cư Jút đã mạnh dạn chuyển đổi từ lò gạch đốt thủ công sang sản xuất gạch tuynel, thu nhập tăng gấp đôi và giảm ô nhiễm môi trường…

Các sơ phục vụ Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức luôn thăm hỏi bệnh nhân

Đã thành truyền thống, nhiều năm nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đều phối hợp tổ chức Bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi ngày bếp ăn phục vụ 2 bữa trưa và chiều, mỗi suất 20.000 đồng. Các nữ tu dòng Vinh Sơn, dòng Phao Lô tham gia phục vụ Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Song, Đắk Glong. Giáo xứ Xã Đoàn hỗ trợ 2 bếp ăn tình thương của các huyện Đắk Mil và Tuy Đức.

ADQuảng cáo

Trong đó, Bếp ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa Tuy Đức hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú ngày 3 bữa gồm sáng, trưa và tối. Mỗi ngày, ngoài thời gian chuẩn bị ba bữa ăn, những người phục vụ bếp ăn còn tăng gia sản xuất, trồng rau xanh để tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguồn rau sạch cho bệnh nhân.

Sơ Bùi Thị Lan, phụ trách Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức cho biết: “Chúng tôi thuộc dòng Nữ vương hòa bình và ở đâu người nghèo cần giúp đỡ thì đều có mặt. Công việc này nói không vất vả thì không đúng, nhưng mình cứ làm hết sức bằng tình yêu thì sẽ vượt qua được. Chính tình cảm, sự gắn bó của người bệnh sau khi xuất viện đã giúp chúng tôi thấy được ý nghĩa của việc mình làm để làm ngày càng tốt hơn”. Bên cạnh đó, các sơ còn mở được 2 lớp dạy nghề may cho nữ thanh niên khó khăn của huyện. Qua đó, nhiều em đã xin được việc làm tại các công ty hoặc tự mở tiệm, có thể phát triển nghề.

Ngoài nấu ăn, Sơ Bùi Thị Lan, phụ trách Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức còn trồng rau xanh để tiết kiệm chi phí

Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo, các giáo xứ, giáo họ còn phối hợp với các đoàn y, bác sĩ thiện nguyện TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc cho gần 1.000 bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Bên cạnh phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo trong tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, yêu nước ở địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2018, bà con đã chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương làm hơn 10 km đường bê tông nông thôn, xây dựng 5 hội trường thôn và 4 nhà tình thương cho hộ nghèo; vận động được hơn 3 tỷ đồng để giúp người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, hoạt động nhân ái của đồng bào Công giáo còn được gắn liền với các suất cơm nghĩa tình.

Theo Linh mục Trần Xuân Cương, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, thấm nhuần lời dạy “Người công giáo tốt, cũng là người công dân tốt”, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn tích cực trong mọi phong trào hoạt động do các cấp, ngành địa phương phát động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Hoạt động của giáo dân không thể tách rời khỏi nhiệm vụ chính trị của địa phương và luôn tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc tham gia thực hiện các phong trào như xây dựng nông thôn mới, giúp nhau giảm nghèo... cũng chính là cách để giáo dân đồng hành cùng đất nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, tốt đời đẹp đạo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, tốt đời đẹp đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO