Tái định cư, tái định canh ở Đắk P’lao: Vẫn loay hoay tìm phương án

Bài, ảnh: Bảo Ngọc| 24/12/2018 11:00

Sau hơn 8 năm chuyển về khu tái định cư để nhường đất cho dự án thủy điện Đồng Nai 3, cuộc sống của hàng ngàn người dân xã Đắk P’lao (Đắk Glong) vẫn chưa ổn định. Nguyên nhân là nhiều hộ chưa được nhận đất sản xuất; công tác đền bù, hỗ trợ tài sản, cây trồng vẫn chưa được thực hiện xong. Trong khi đó, chính quyền, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn đang loay hoay tìm phương án khả thi.

ADQuảng cáo

Người dân gặp khó đủ bề

Đã hơn 8 năm trôi qua, gia đình ông Đỗ Văn Dung vẫn chưa được cấp đất sản xuất. Theo phương án tái định cư, tái định canh, gia đình ông Dung sẽ được cấp 1.000 m2 đất ở, trên đó có một ngôi nhà cấp 4 diện tích khoảng 50 m2 và 1 ha đất sản xuất. Những năm đầu, gia đình ông còn được chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án thủy điện 6 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ lương thực nhưng lâu nay, việc này không còn nữa.

Không có đất sản xuất, tiền bồi thường cây trồng không được trả, tiền đền bù ít ỏi cũng đã tiêu xài hết nên cuộc sống rất khó khăn. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng hai vợ chồng ông vẫn phải đi làm thuê để lấy tiền sinh sống.

Nhiều hộ dân phản ánh chưa được cấp đất tái định canh và chưa được bồi thường thỏa đáng về cây trồng

Tương tự, hàng trăm hộ gia đình khác ở khu tái định cư Đắk P’lao cũng đang mòn mỏi chờ đất tái định canh. Khi chuyển về nơi ở mới, họ chỉ nhận được những lá phiếu bốc thăm nhận đất chứ chưa được bàn giao đất trên thực địa. Mỗi lần cầm tờ giấy bốc thăm đến chủ đầu tư, các cơ quan chức năng để hỏi về vị trí đất thì chỉ nhận được những lời hứa.

Ngoài ra, rất nhiều hộ dân ở đây cũng đang bức xúc về việc đền bù chưa thỏa đáng hoặc chậm chi trả tiền đền bù về cây trồng, nhất là nhiều diện tích cây mai, cây dứa. Số lượng, diện tích cây mai, cây dứa được kiểm kê, Công an tỉnh đã điều tra xác minh, khẳng định đây là tài sản hợp pháp trên đất của người dân trong vùng dự án, không có hành vi trục lợi. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đắk Glong cùng các bên liên quan căn cứ quy định của pháp luật để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả.

Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư và các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của hầu hết các hộ dân là mong muốn chủ đầu tư, các cấp chính quyền sớm bố trí đất sản xuất hoặc trả tiền mặt để họ mua đất nơi khác và chi trả số tiền đền bù cây trồng để họ sớm ổn định cuộc sống.

Ông K’Lớ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao cho biết, từ tháng 7/2010, toàn bộ người dân xã Đắk P’lao (cũ) thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã được chuyển về khu tái định cư là xã Đắk P’lao hiện tại. Trong số gần 550 hộ chuyển lên thì có 432 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào nơi khác đến trước năm 2000) là đủ điều kiện được bố trí đất ở, đất sản xuất. Các hộ sẽ được cấp 1.000 m2 đất thổ cư và 1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên đến nay, hàng trăm hộ trong xã vẫn chưa nhận được đất sản xuất. Vì vậy, cuộc sống của người dân vẫn chưa được ổn định. Toàn xã vẫn còn hơn 53% hộ nghèo. Vì không có đất để sản xuất nên hiện tại vẫn còn 42 hộ đang sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3. Mặc dù chính quyền huyện, xã, các ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức vận động nhưng 42 hộ dân này kiên quyết không chịu về ở xã Đắk P’lao vì cuộc sống quá khó khăn.

ADQuảng cáo

Diện tích đất sản xuất được cấp mới cho người dân xã Đắk P’lao rất chồng chéo, vẫn đang xảy ra tranh chấp

Ông K’Tam, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao khẳng định, nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận đất tái định canh là do đất không đủ điều kiện sản xuất và đang xảy ra tranh chấp. Để định canh cho bà con, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 đã phối hợp với địa phương khai hoang 650 ha đất lâm nghiệp để chia cho dân. Tuy nhiên, nhiều hộ không chịu nhận đất do độ dốc quá lớn, đất đai khô cằn, nguồn nước không có. Sau đó, chủ đầu tư lại tiếp tục khai hoang một khu vực khác rộng 206 ha để cấp đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, khu vực này lại đang có nhiều hộ dân thuộc địa bàn xã Quảng Khê đang canh tác tại đây. Việc cấp đất này đang chồng chéo, chưa dứt điểm nên tình trạng tranh giành đất xảy ra thường xuyên.

Sau khi khảo sát 2 khu đất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kết luận, chỉ có khoảng gần 260 ha là đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, còn lại chỉ để trồng rừng. Như vậy, so với phương án tái định canh còn thiếu khoảng 200 ha đất sản xuất. “Nhiều hộ được giao đất trên diện tích người khác đang canh tác nên xảy ra tranh chấp dẫn đến mất an ninh trật tự ở địa phương. Nhiều hộ đủ điều kiện cấp đất thì không có đất để canh tác, còn hộ không đủ điều kiện lại đang nghiễm nhiên canh tác trên đất người khác. Hiện nay, diện tích đất đang bị lấn chiếm rất phức tạp, địa phương không thể xử lý”- ông K’Tam ngao ngán.

Sau hơn 8 năm chuyển về địa bàn mới, xã Đắk P’lao vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn

Các đơn vị vẫn chưa có cách giải quyết

Việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, tái định cư, tái định canh thủy điện Đồng Nai 3 trước đây do Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 thực hiện. Tuy nhiên, từ tháng 2/2017, theo ký kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh, vấn đề này được ủy quyền cho UBND huyện Đắk Glong giải quyết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ bố trí kinh phí bồi thường. Theo kế hoạch, nhiệm vụ này phải hoàn thành trong năm 2017, nhưng đến nay những tồn tại, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong phân tích, vướng mắc nằm ở chỗ vẫn còn 42 hộ dân đang sinh sống ở lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 không chịu chuyển về khu tái định cư, mặc dù đã được chính quyền vận động nhiều lần. Việc cấp đất tái định cư cơ bản xong, còn đất tái định canh còn thiếu khoảng 186 ha. Hiện nay, UBND huyện đang tiến hành rà soát, đo đạc, cắm mốc lại toàn bộ diện tích đất vùng dự án tái định cư. Những diện tích nào đang bị lấn chiếm thì lập hồ sơ để xử lý. Khu vực nào có thể sử dụng được thì tiếp tục phân lô, cắm mốc chia cho dân. Nếu còn thiếu thì UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh để tìm phương án xử lý. Trong đó có thể trả bằng tiền mặt để các hộ dân đi mua đất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Một khó khăn khác là việc thực hiện đền bù cây trồng cho người dân, đặc biệt là cây mai, cây dứa. Đến nay, phương án bồi thường đã lập xong nhưng chưa dám ký duyệt để giải ngân vì số tiền quá lớn, lên đến gần 48 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo và tìm phương án tối ưu, khả thi nhất để giải quyết.

Về vai trò của các bên liên quan, ông Thuần cho biết, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư (tức Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6), còn phía UBND huyện chỉ có nhiệm vụ phối hợp.

Như vậy, “quả bóng trách nhiệm” vẫn đang được các bên đá qua, đá lại. Trong khi đó, cuộc sống thực tế của người dân ở khu tái định cư Đắk P’lao vẫn rất khó khăn, đói nghèo vẫn đeo bám dai dẳng. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các ngành chức năng cần sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Dự án thủy điện Đồng Nai 3. Qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh kiện tụng, tranh cấp kéo dài, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái định cư, tái định canh ở Đắk P’lao: Vẫn loay hoay tìm phương án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO