Tăng cường kết nối, hỗ trợ đồng bào giảm nghèo bền vững

Hoàng Thanh| 31/12/2017 08:55

Mới đây, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với địa phương tổ chức Hội nghị kết nối đối tác hợp tác, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện sáng kiến giảm nghèo tại huyện Đắk Glong. Tại hội nghị, các nhóm đồng sở thích trồng chè và cà phê có dịp nêu lên những khó khăn, hạn chế và mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ.

ADQuảng cáo

Từ điểm “nghẽn” trồng chè

Tại hội nghị, các nhóm đồng sở thích trồng chè và cà phê đã nêu lên những khó khăn và đề xuất cơ quan chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ để việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững.

Điển hình, 2 hộ đồng bào trồng chè gồm: ông K’Song ở thôn 6 và ông K’Muôi ở thôn 3 xã Quảng Khê (Đắk Glong) đại diện cho trên 100 hộ dân trồng chè đã nêu lên một số vướng mắc trong quá trình trồng loại cây này. Gia đình ông K’Song đã trồng 3 sào chè và gia đình ông K’Muôi trồng 1ha từ năm 2011 bằng giống chè BT 14. Thời gian đầu mỗi tháng thu hoạch 3 lần. Với 3 sào, mỗi tháng ông K’Song thu được trên 1 tạ chè tươi. Tương tự, với 1 ha, mỗi tháng ông K’Muôi thu trên 3 tạ chè tươi.

2 hộ dân K'Song và K'Muôi ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) giới thiệu sản phẩm chè tươi cho các chuyên gia, doanh nghiệp

Việc tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định nhờ vào việc tại địa bàn có một doanh nghiệp chuyên thu mua cho bà con. Với giá cả ổn định khoảng 10.000 đồng/kg chè tươi, trừ chi phí, riêng gia đình ông K’Song có thu nhập 3 triệu đồng/tháng. So với một số loại cây trồng khác thì cây chè đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân.

Tuy nhiên, sau một thời gian, do không đủ nước tưới, thiếu phân bón và kỹ thuật nên năng suất chè giảm. Mặt khác, do doanh nghiệp thu mua tại địa bàn hạn chế thời gian mua nên gây nhiều khó khăn cho người trồng chè trong việc thu hoạch, nhất là những thời điểm khan hiếm lao động. Vì vậỵ, các hộ dân mong muốn được vay thêm vốn để đầu tư và các ngành chức năng, doanh nghiệp chú trọng hơn vào việc tập huấn kỹ thuật, giãn thời gian thu mua cho bà con.

Tại hội nghị, đại diện Doanh nghiệp Trần Gia cho biết, doanh nghiệp luôn giữ giá thu mua chè ổn định cho bà con từ nhiều năm nay. Năng lực chế biến của doanh nghiệp vượt sản lượng chè hiện có tại địa bàn (huyện Đắk Glong hiện có trên 30 ha chè) nên hoàn toàn bảo đảm đầu ra cho bà con.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, do yêu cầu về bảo đảm chất lượng nên thời gian thu gom chỉ 2 ngày, thậm chí, doanh nghiệp phải điện thoại trực tiếp cho người dân. Trong khi đó, nhiều hộ trồng chè lại thu hoạch rải rác nên vừa ảnh hưởng đến thu nhập, vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp có đầy đủ phân bón, thuốc trừ sâu sinh học sẵn sàng bán trả chậm, thậm chí cho bà con trồng chè trả góp. Điều quan trọng là bà con cần quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư chăm sóc vườn cây thì mới có hiệu quả cao và lâu dài.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiệu quả từ việc trồng chè là rất thiết thực, nhưng có một điểm “nghẽn” là do từ chính các hộ dân. Trước hết là việc bà con chưa biết cách bố trí việc sản xuất một cách hợp lý, nhất là việc thu hái. Bà con cũng chưa chú trọng đến việc tương tác với doanh nghiệp để tìm kiếm sự hỗ trợ. Ngoài ra, diện tích trồng chè manh mún, không tập trung gây nhiều khó khăn cho việc chăm sóc, nhất là việc thiếu nước tưới.

Không chỉ riêng cây chè, nhiều hộ trồng cà phê cũng còn thiếu sự cập nhật về thông tin nên việc tương tác với các doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Đối với cà phê, việc cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu hiện có rất nhiều công ty, doanh nghiệp cung ứng thông qua các đoàn thể tại địa phương bằng phương thức trả chậm. Tuy nhiên, do việc sản xuất manh mún nên nhiều hộ trồng cà phê chỉ quen mua của các cửa hàng, đại lý nhỏ tại địa phương, bỏ qua nhiều lợi ích nếu tương tác trực tiếp với nhà phân phối.

Kết nối giữa người dân và doanh nghiệp

Từ những hạn chế, bất cập trong việc trồng chè, cà phê, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã có ý kiến đề nghị địa phương cần chú trọng trong vấn đề quy hoạch. Đặc biệt, các ngành có chức năng cần tăng cường công tác tập huấn về khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: NUTIMEX Đắk Nông, Công ty TNHH cà phê An Thái, Công ty TNHH Bazan… cho biết, từ nhiều năm nay đã thực hiện việc thu mua cà phê chất lượng tốt, với giá cả cao hơn để chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, rất nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn vẫn còn ngại tổ chức thu hoạch, sơ chế sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Đặc biệt, nhiều công ty đã thực hiện thu mua trực tiếp cà phê nhưng nhiều hộ trồng cà phê có thói quen ký gửi tại các đại lý…

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để giảm nghèo bền vững, hơn ai hết, người dân cần phải tích cực phối hợp với các ban, ngành tại địa phương. Đặc biệt, bà con cần tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp để tăng cường sự kết nối, tìm kiếm cơ hội và những điều kiện thuận lợi cho chính mình. Có như vậy mới tăng thêm thu nhập, không chỉ góp phần giúp đồng bào giảm nghèo một cách bền vững mà còn có cơ hội vươn lên.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kết nối, hỗ trợ đồng bào giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO